Diễn giả Ths. BSNT Lương Tuấn Hiệp đã có những chia sẻ rất cụ thể về lợi ích của nghiên cứu khoa học khi còn là học viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Lựa chọn con đường Ngoại khoa chuyên ngành Tiêu hóa, dù khối lượng công việc dày đặc, BS Hiệp vẫn luôn giữ cho mình niềm đam mê khoa học, nhiệt huyết không ngừng nghỉ trên hành trình nghiên cứu.
Các bác sĩ lâm sàng luôn luôn đứng trước thử thách làm thế nào để điều trị tốt nhất cho người bệnh. Tuy đã hấp thu được một khối lượng kiến thức không nhỏ tại giảng đường, thực tế công việc đòi hỏi sự liên hệ mật thiết giữa kiến thức cơ bản, môi trường làm việc cùng các tiến bộ mới của y học. Những thay đổi về môi trường, xã hội, những tiến bộ mới về sinh học phân tử, miễn dịch học, bệnh học …khiến cho các bác sĩ luôn luôn phải cập nhật kiến thức. Thực tế lâm sàng phong phú và đa dạng nhưng để có thể thực sự rút ra kinh nghiệm từ thực tế, cần có những nghiên cứu nghiêm chỉnh để giải quyết các hỏi nghiên cứu xuất phát từ chính công việc hàng ngày của các bác sĩ. Những kinh nghiệm lâm sàng cần được trình bày ở tầm cao hơn kinh nghiệm cá nhân, dịch tễ học chính là ngôn ngữ chung để các bác sĩ lâm sàng trình bày kinh nghiệm của mình thông qua các nghiên cứu, hội nhập với đồng nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới. Các kỹ năng đánh giá thông tin và nghiên cứu khoa học không thể tự nhiên xuất hiện, kỹ năng chỉ được mài dũa nhờ các kiến thức về dịch tễ học và thực hiện các nghiên cứu.
Ngày nay, khi các hình thức đào tạo ở bậc sau đại học đang được xây dựng theo chiều hướng ngày càng cải tiến, học viên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều cách thức phong phú, đa dạng. Trong đó, thực hiện nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả để học viên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để học viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn. nghiên cứu khoa học không chỉ cung cấp cho học viên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích, mà còn tạo cho học viên một tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cho học viên cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía. Hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm luận án tốt nghiệp, làm đề tài nghiên cứu… mang lại những ý nghĩa thiết thực cho học viên:
- Nghiên cứu khoa học giúp học viên bổ sung những kiến thức không được học trong chương trình chính khóa, lấp đầy những kiến thức về đời sống xã hội để làm giàu vốn sống cho bản thân. Trong quá đi khảo sát hay thực tế, các bạn sẽ phải vận dụng những kỹ năng ít khi dùng đến, qua đó bạn hiểu sâu hơn hơn về những điều còn bỏ ngỏ ở giảng đường hay những bài học trong sách.
- Giúp học viên đào sâu hơn những kiến thức được học. nghiên cứu khoa học sẽ phát huy khả năng phân tích, đánh giá, liên tưởng, kết hợp với những điều mới để giải quyết những vấn đề đang quan tâm, thắc mắc… từ một vấn đề sẽ mở rộng ra nhiều vấn đề làm phong phú kiến thức cũng như vốn sống chúng ta. Đồng thời, hoạt động nghiên cứu khoa học giúp học viên rèn khả năng tư duy sáng tạo, khả năng phê phán, bác bỏ hay chứng minh một cách khoa học những quan điểm nào đó, rèn kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, khả năng tư duy logic, xây dựng tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.
- Giúp học viên có kinh nghiệm viết báo cáo, chuyên đề tốt nghiệp sau này. Những kinh nghiệm này thực sự bổ ích cho học viên năm cuối và khi rời ghế nhà trường đi làm. Cao hơn là những luận án tiến sĩ, đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước,…
- Nghiên cứu khoa học, đặc việt là các công bố quốc tế, các báo cáo tại các Hội nghị chuyên ngành trong và ngoài nước,… giúp bạn nâng cao tiếng nói, uy tín của mình trong ngành, tạo ra các mối quan hệ mới, mở ra những cánh cửa mới cho việc nâng cao chuyên môn bản than sau này.
Ở các quốc gia tiên tiến, tại các bệnh viện lớn có gần cả ngàn công bố khoa học hàng năm. Bởi vì, họ coi nghiên cứu khoa học là công việc bắt buộc trong quy trình điều trị bệnh nhân. Và trong các nghiên cứu này luôn có sự tham gia của các bác sỹ học viên (Bác sỹ nội trú, Fellowship, PhD, Postdoctoral…). Với đặc thù là một bác sỹ Ngoại khoa, đặc biệt là bác sỹ Ngoại khoa chuyên ngành Tiêu hóa, thì công việc “mổ xẻ” thường đã tốn rất nhiều thời gian, sức lực. Tuy nhiên, kinh nghiệm bản thân mình cho thấy, nếu biết cách sắp xếp công việc, thì việc nghiên cứu khoa học, ngay từ khi còn là học viên, không phải là không thể thực hiện được. Có thể bắt đầu từ những nghiên cứu nhỏ, các bài tiểu luận, báo cáo ca bệnh,… sau đó dần dần, năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân sẽ được nâng cao.
Tóm lại, nghiên cứu khoa học là cách mà bác sỹ liên tục học tập, cải thiện và phát triển để giỏi hơn, cung cấp dịch vụ hiệu quả và an toàn hơn; đồng thời tăng uy tín về học thuật và chuyên môn của bản thân trong nước và trên thế giới.
---
Hẹn gặp Quý anh chị tại sự kiện Workshop: HỌC SAU ĐẠI HỌC - LỰA CHỌN NHƯ THẾ NÀO CHO BÁC SĨ TRẺ vào 19:30 ngày 21/07/2024 để cùng thảo luận và giải đáp những thắc mắc cùng các diễn giả tại Pivie nhé!