TS BS Lê Mạnh Thường đã cùng đồng hành với gần 70 học viên của Pivie tại hai khóa học Sau đại học: Kỹ năng ôn thi BSNT ĐH Y Hà Nội - Chia sẻ kiến thức Giải phẫu và Ôn thi Giải phẫu - Thạc sĩ - Chuyên khoa 1 Đại học Y Hà Nội, thành công hoàn thiện chương trình ôn tập để Quý học viên có thể chuẩn bị thật tốt cho những kỳ thi đầy thử thách này.
Để đạt thành tích cao trong bài thi môn Giải phẫu và chinh phục bộ môn giải phẫu, TS BS Lê Mạnh Thường, đã có những lưu ý quan trọng về phương pháp học tập bộ môn này.
1. Lưu ý chung
● Gần như không thể học thuộc Giải phẫu: chỉ có thể ghi nhớ các hình ảnh. Do đó: bất kỳ khi nào đọc tới một cấu trúc giải phẫu mà không có hình ảnh tương ứng hiện lên trong đầu thì nghĩa là chưa học. Khi đó, cần thiết mở Atlas ra để học, hoặc đơn giản là gõ từ khoá lên tìm kiếm hình ảnh trên mạng.
● Vẽ rất có ích.
● Phần về các tư thế giải phẫu và các mặt phẳng giải phẫu cực kỳ có ý nghĩa. Ðặc biệt, các thuật ngữ vị trí. Nói một cách đơn giản, các bác sỹ học giải phẫu chưa thật sự sẽ nói “thần kinh giữa đi dưới hãm gân gấp ở ống cổ tay”.
● Không cần thuộc mọi thứ sách viết, có hình ảnh các vùng của cơ thể trong đầu là đủ.
2. Giải phẫu chi
● Luôn luôn học kỹ bài xương trước tiên. Kỹ đến mức mô tả được xương từ hình ảnh trong đầu.
● Học xương xong thì học cơ. Cơ đừng học vội nguyên uỷ, bám tận, động tác,… Chỉ cần nhớ vùng cơ, lớp cơ,… theo trật tự. Ví dụ: vùng cẳng tay trước có 4 lớp cơ: lớp nông có 4 cơ, từ ngoài vào trong gồm:…; lớp giữa chỉ 1 cơ là…; Sau đó tra Atlas và tự tìm ra các cơ theo vùng, theo lớp.
● Học cơ xong thì phải học kỹ cấu tạo của các cấu trúc rỗng tạo bởi cơ và xương: nách, ống cánh tay, rãnh nhị đầu trong,… Rồi các mạc, màng: vách gian cơ trong, vách gian cơ ngoài, màng gian cốt,… Rất tiện để sau học liên quan của mạch máu và thần kinh.
● Mạch máu và thần kinh ở chi: liệt kê rồi tìm đặc điểm. Ví dụ: thần kinh của chi trên có 5 nhánh tận chính của ÐRCT, ÐM nách có 6 nhánh bên,… Tìm tương quan từng thần kinh và mạch máu lớn này với các cấu trúc rỗng. Ví dụ: ÐM nách như là trung tâm của nách, các bó thần kinh đc đặt tên theo vị trí tương quan của ÐM này,…
● Gom lại vùng chi phối thần kinh, nhớ số ít. Ví dụ: thần kinh cơ bì chi phối toàn bộ cơ vùng cánh tay trước, thần kinh trụ chi phối 1,5 cơ của cẳng tay trước, thần kinh giữa chi phối 4,5 cơ của vùng bàn tay,… Kể tên ra và loại trừ thì còn lại là các cơ đc chi phối bởi thần kinh khác.
● Mạch máu: nhìn hình đoán vùng cấp máu, dựa vào tên đoán vùng cấp máu,…
3. Giải phẫu ngực và bụng
● Thành ngực và thành bụng: học như các chi.
● Các mốc phân chia ngực, bụng, chậu hông,…
● Ống bẹn được hỏi thi đặc biệt nhiều (không hiểu sao).
● Các nếp, các ngách, các giới hạn của màng phổi và màng bụng rất quan trọng trong lâm sàng, học kỹ và hiểu thì không thi cũng vẫn quý.
● Ngực: tưởng nhiều nhưng chỉ có mỗi 2 phổi-màng phổi và 1 trung thất.
● Bụng: tưởng nhiều và nhiều thật, nên ôn theo vùng cấp máu của 03 động mạch lớn. Chú ý tạng nào cố định, tạng nào di động, tạng nào di động một phần,… Các mốc như đối chiếu môn vị, đối chiếu túi mật, đối chiếu ruột thừa, đối chiếu gan, lên thành bụng và các mức đốt sống, xương sườn rất quan trọng về cả lâm sàng và thi.
● Chậu hông: hiểu đáy chậu và hoành chậu hông.
4. Giải phẫu đầu, mặt, cổ
● Học xương sọ theo các chuẩn (chuẩn mặt, chuẩn chẩm, chuẩn nền,…): nhớ lấy mốc và học chi tiết theo thứ tự.
● Học cơ đầu mặt theo cấu trúc tương ứng. Ví dụ: các cơ ngoài nhãn cầu, các cơ của lưỡi, cơ của hầu,…
● Tìm bằng được hình các cấu trúc được nhắc đến thường xuyên: ống chân bướm, hố chân bướm - khẩu cái, lỗ trâm-chũm,…
● Cơ của cổ tuy rất phức tạp, học lại rất dễ: 2 cơ nông, 4 cơ dưới móng, còn lại là các cơ cạnh sống: chỉ cần học 3 cơ bậc thang. Lưu ý: bờ ngoài cơ bậc thang trước là mốc của một loạt cấu trúc lớn vùng cổ.
● Nhìn thiết đồ ngang qua cổ và các mạc sẽ thấy cổ dễ học.
● Thanh quản tưởng khó nhưng học: sụn, màng, cơ là hiểu.
5. Giải phẫu thần kinh
● Ðọc kỹ bài đại cương, hiểu bản chất chất trắng và chất xám.
● Học kỹ hình thể ngoài, liên quan mật thiết với hình thể trong.
● Học ít nhất 3 lần.
● Học từ tuỷ sống lên trên (hình thể ngoài, hình thể trong, các đường đi lên và đi xuống)
● Xong tuỷ sống thì học thân não: hình thể ngoài, các nhân thần kinh sọ, các nhân đặc biệt. Gom kiến thức lại: nhân đơn độc nhận sợi từ 3 thần kinh, nhân hoài nghi gửi sợi vào 3 thần kinh, nhân dây V có 4 phần và 1 hạch,…
● Xong thân não thì học gian não, rồi đại não. Tiểu não rảnh hẵng đọc.
● Ðại não học kỹ hình thể ngoài.
● Học các não thất.
● Học mạch máu và hội chứng mạch máu chính.
● Học xong đại não quay về đọc lại từ tuỷ sống.
● Học thần kinh xong phải hiểu ít nhất: các dải vỏ-tuỷ, các dải tuỷ-đồi thị, các dải tuỷ-tiểu não, các bó thon, chêm; các dải tưởng là không cần học: đỏ-tuỷ, mái-tuỷ, tiền đình-tuỷ,… Học các dải này thì mới học đc các nhân và chức năng các vùng.
● 12 dây thần kinh sọ học chức năng trước: gom lại chi phối bao nhiêu cơ, vùng nào. Sau đó rảnh học đường đi. Rất rảnh thì học các nhánh nhỏ. Giải thích liệt thần kinh sọ có ích cho hiểu cấu trúc.
6. Tóm lại
● Ðọc sách và nhìn hình hoặc tưởng tượng. Ðừng mất công học thuộc.
● Học xong mỗi phần thử làm test để xem có sót hình ảnh nào trong đầu không.
● Ðừng mất công băn khoăn câu nào 2 hay 3 hay 4 đáp án, có thể hỏi hoặc có thể lờ đi.
● Học Giải phẫu nhưng đừng quên còn môn chuyên ngành.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ phần nào hỗ trợ quý anh chị học viên trong quá trình ôn thi nói riêng và hành trình học tập nói chung. Các khóa học chuẩn bị cho kì thi SĐH của Đại học Y Hà Nội đã hoàn thiện. Ngoài ra, Pivie vẫn luôn đồng hành cùng quý Anh Chị trên hành trình y khoa với những khóa học Ôn thi sau đại học cùng các khóa học bổ trợ kiến thức. Pivie luôn mong muốn mang đến cho Quý Anh/Chị những trải nghiệm học tập tốt nhất. Nếu có bất kỳ câu hỏi, chủ đề hoặc yêu cầu nào, vui lòng liên hệ với bộ phận CSKH của chúng tôi qua:
Email: cskh@pivie.com.vn
Hotline: 094 126 9911