NIÊN ĐẠI: 1800 TCN
VĂN BẢN KAHUN PAPYRUS
Lê Bảo Trung
Phát hiện quan trọng trong lịch sử y học
Nằm cách phía tây nam của Cairo chưa đầy 2 tiếng đi xe, ốc đảo Fayoum là một trong những kho báu ẩn giấu của đất nước Ai Cập. Được tạo thành từ nhiều hồ và kênh rạch, khu vực rộng lớn này là địa điểm du lịch cuối tuần lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi sự nhộn nhịp của thủ đô. Ốc đảo Fayoum từng được nhắc tới với vẻ đẹp huyền ảo trong cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Paulo Coelho, nơi cậu bé Santiago lần đầu tiên được giới thiệu với ‘nhà giả kim’. El Fayoum là thành phố lâu đời nhất Ai Cập. Nơi này được nuôi dưỡng bởi sông Nile thông qua một loạt kênh rạch có tên gọi Bahr Yussef, vốn được xây dựng bởi người Ai Cập cổ đại. Ngay bên ngoài trung tâm ốc đảo là ba kim tự tháp ít được biết đến, bao gồm kim tự tháp ở Meidum, kim tự tháp ở Lahun và kim tự tháp Amenehet ở Hawara. Ít ai biết rằng, đây cũng là nơi tìm ra một trong những văn bản y học cổ xưa và quan trọng bậc nhất trong tiến trình xác lập lịch sử của y học.

Hình 1. El Fayoum – Ai Cập
.jpg)
Hình 2. Kim tự tháp ở Lahun
Papyrus - loại giấy đầu tiên trong lịch sử loài người
Vào năm 1889, trong lúc đang tiến hành khai quật tại khu vực Lahun, nhà Ai Cập học người Anh Flinders Petrie đã phát hiện ra những mảnh giấy cói nằm rải rác. Văn bản này được phát hiện trong tình trạng khá tệ với nhiều mảnh rời rạc. Ông Petrie đã tốn tổng cộng 8 tháng để hoàn tất quá trình tìm kiếm, diễn ra vào suốt từ tháng 4 tới tháng 11 năm 1889. Kahun là tên mà ông Pietre đặt cho nơi tìm thấy bản giấy cói này. Trên thực tế, giấy cói Kahun là văn bản y khoa cổ nhất từng được biết đến. Hầu hết kí tự được viết vào khoảng năm 1825 BC, tức là đã cách đây 4000 năm. Đây là thời đại của Trung Vương Quốc Ai Cập, Vương triều thứ XII, cụ thể là năm thứ 29 của triều đại của Amenemhat. Để nhấn mạnh sử cổ xưa của nó, văn bản cổ nhất của nền văn minh Babylon có niên đại không sớm hơn 700 năm trước công nguyên, trong khi những văn bản y học cổ nhất của văn minh Trung Hoa có niên đại vào khoảng 200 năm trước công nguyên. Lý do chúng ta biết rõ thời điểm xuất hiện của giấy cói Kahun như vậy bởi ai đó đã ghi lại thời gian cụ thể này ở mặt sau của tờ giấy. Bản thân tờ giấy cách đây 4000 năm cũng đã được chủ nhân cũ (có lẽ là một thầy thuốc chăm chỉ) dùng nhiều tới mức hư hỏng nặng và phải sửa chữa bằng một miếng vá từ một tờ giấy hành chính. Sau khi được xếp đặt cẩn thận, mặc dù vẫn có nhiều đoạn bị thiếu, nhưng cũng đủ để phơi bày những thông tin quan trọng cho thấy những bằng chứng về y học và sức khỏe của người Ai Cập cổ đại. F Griffiths là người đầu tiên công bố bản dịch của mình trong “The Petrie Papyri: Hieratic Papyri from Kahun and Gurob” năm 1893.
Công trình bao gồm tổng cộng 4 chương chia làm 34 đoạn với từng đoạn viết về một vấn đề y học riêng. Các đoạn được trình bày khá khoa học với bố cục gồm: bắt đầu với những mô tả ngắn gọn về triệu chứng, sau đó, các thầy thuốc được hướng dẫn cách để đưa ra một chẩn đoán và cuối cùng là một số đề xuất về cách điều trị. Tuy vậy, văn bản không đề cập tới cách tiên lượng những vấn đề có thể xảy ra.
Trong chương 1 văn bản, tác giả chủ yếu viết về một số bệnh lý phụ khoa và những bệnh lý mà tác giả nghĩ rằng nguyên nhân của nó tới từ cơ quan sinh dục nữ. Ví dụ về một đoạn như vậy:
“HƯỚNG DẪN cho một người phụ nữ có tử cung đã bị bệnh….
BẠN NÊN TIẾP TỤC HỎI CÔ ẤY: Cô ngửi thấy có mùi gì? Nếu cô ấy trả lời "Tôi ngửi thấy cháy khét".
BẠN NÊN TUYÊN BỐ VỀ CÔ ẤY: "Đây là một rối loạn của tử cung."
BẠN NÊN KÊ TOA CHO NÓ: “cô ấy sẽ xông khói mọi thứ mà cô ấy ngửi thấy có mùi khét”.”
Chương 2 của văn bản lại làm cho chúng ta phải bất ngờ về sự hiểu biết sâu sắc về sinh sản của người Ai Cập cổ đại. Chủ đề của chương này chủ yếu xoay quanh vấn đề sinh sản: kích thích tình dục, phát hiện thai kỳ, thúc đẩy sinh sản và các phương pháp tránh thai và một số đoạn cuối cùng có lẽ là phương pháp để điều trị thống kinh (cơn đau do kinh nguyệt). Một vài đoạn có thể dịch ra như sau:
“ĐỂ TRÁNH THAI: phân cá sấu tán mịn trong sữa chua, tưới ... (bị thiếu)."
Về mặt khoa học mà nói, phân cá sấu có tính kiềm ở mức độ tương tự như các chất diệt tinh trùng hiện đại, nghĩa là nó vô hiệu hóa tinh trùng khi đi vào âm đạo về mặt hóa học. Bột nhão có lẽ sẽ làm loãng phân đến mức không gây nhiễm bệnh. Sau này, người ta ghi nhận người Ấn Độ sử dụng một phương pháp ngừa thai tương thự nhưng thay thế phân cá sấu bằng phân voi. Một số thầy thuốc Ả Rập vào thế kỷ thứ chín và thứ mười một đã viết rằng phân voi là một biện pháp tránh thai hiệu quả khi trộn với mật ong.
Việc sử dụng mật ong như một biện pháp tránh thai cũng được đề cập tới trong giấy cói Kahun khi họ đã đề cập tới một hỗn hợp giữa mật ong và natron.
“ĐƠN THUỐC KHÁC: bơm 454 ml mật ong vào âm đạo của cô ấy, kết thúc bằng một nhúm natron.”
Natron là một hỗn hợp tự nhiên của natri cacbonat ngậm 10 phân tử nước, một loại tro soda. Hợp chất này có thể làm co miệng tử cung và khiến việc thụ thai khó xảy ra. Mật ong làm tắc nghẽn tinh trùng và ngăn không cho tinh trùng đi qua cổ tử cung. Phương pháp tránh thai thứ ba được đề cập trong giấy cói là một chất giống như kẹo cao su được đưa vào âm đạo. Điều này cũng sẽ làm tắc nghẽn một cách cơ học giúp ngăn chặn tinh trùng xâm nhập vào tử cung.
Phương pháp để chữa cơn đau tử cung được ghi chép phần này như sau:
“CHỮA CƠN ĐAU TỬ CUNG CẤP TÍNH: phơi khô quả chà là được ngâm kỹ với rượu ngọt, để cô ấy ngồi lên trong tư thế dạng đùi ra.”
Ở trang 3 của giấy cói Kahun, các dòng từ 12 đến 24 mô tả một loạt xét nghiệm mà nhờ đó có thể đưa ra tiên đoán về các vấn đề như mang thai, khả năng sinh sản và thậm chí cả giới tính của thai nhi. Phần này của tờ giấy cói bị hư hỏng nặng một cách đáng tiếc. Chính ở phần này, văn bản trích dẫn nhiều phương pháp từ những tài liệu khác, mà nếu chúng ta có được đầy đủ, sẽ có thể hiểu được một cách khái quát các vấn đề y học liên quan tại thời điểm đó. Một ví dụ về phương pháp tiên đoán khả năng sinh sản trong chương này:
“PHƯƠNG PHÁP KHÁC: bạn nên để cô ấy ngồi trên sàn nhà phủ đầy bã bia (sweet ale), đặt một hỗn hợp chà là... nôn mửa, cô ấy sẽ sinh con. Bây giờ liên quan đến số lượng mỗi lần nôn ra khỏi miệng cô ấy, đây là số lần mang thai... Tuy nhiên, nếu không nôn, cô ấy sẽ không sinh con bao giờ.”
Có 2 mảnh rời nhỏ ở cuối tờ giấy cói được xếp vào chương 4. Một trong số chúng hướng dẫn cách chữa đau răng, đoạn còn lại dường như nhắc tới một lỗ rò bàng quang âm đạo và cảnh báo các thầy thuốc không nên cố gắng can thiệp vào nó.
Giấy cói Kahun cho thấy người Ai Cập cổ đại đã có những mối quan tâm sâu sắc tới bệnh tật bằng việc ghi nhận rất nhiều các triệu chứng và bất thường về sức khỏe. Họ đã cố gắng tiếp cận bệnh tật bằng nguyên nhân gây bệnh để đưa ra phương pháp điều trị. Văn bản này cũng cho thấy những người này đã có hiểu biết đáng kể về vai trò quan trọng của giao hợp trong thụ thai. Xa hơn, thể thấy xã hội Ai Cập cổ đại đã hết sức quan tâm tới vấn đề kiểm soát sinh sản với việc đưa ra nhiều phương pháp ngừa thai áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, văn bản cho thấy tình trạng vô sinh ở phụ nữ cũng đã được ghi nhận. Hiện nay giấy cói Kahun đang được lưu giữ tại bảo tàng Khảo Cổ Ai Cập Petrie của Đại học London.

Hình 2. Trang 1 và 1 phần của trang 2
.jpg)
Hình 3. Một phần của trang 2 và trang 3
.jpg)
Tài liệu tham khảo
- https://www.intechopen.com/chapters/78710#B1
- Smith LThe Kahun Gynaecological Papyrus: ancient Egyptian medicineBMJ Sexual & Reproductive Health 2011;37:54-55.
https://drive.google.com/file/d/1uNhdD2b3r4FAJCO4ByvQH0WQORrHXti0/view?usp=drive_link
- Med. J. Aust., 1975, 2: 949-952.
https://drive.google.com/file/d/1krTqGd0ee6k7wNy1FUu_pdhDqeC38McX/view?usp=drive_link
- https://digi.ub.uni-heidelberg.de/diglit/griffith1897bd1/0010/image,info
- https://aadl.org/node/198977