Những phiến đất sét về y học của nền văn minh cổ đại

10/10/2023 - 21:28 1.414 lượt xem
A A- A+ []
Mục lục

 NIÊN ĐẠI 1900 - 1600 TCN

Những phiến đất sét về y học của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại

Trần Lê Hoàng 

Mở đầu

Thư viện Hoàng gia Ashurbanipal là nơi lưu giữ hàng chục nghìn tấm bảng đất sét (clay tablet), hay phiến đất sét chứa các văn bản chữ hình nêm (chữ Akkad: chữ ra đời thay thế chữ Sumer vào khoảng 2000 năm TCN). Thư viện thuộc sở hữu của vua  Ashurbanipal (685 – 627 TCN) , vua của vương quốc Assyria nằm ở phía Bắc vùng Lưỡng Hà, nay thuộc địa phận phía Bắc I Rắc và phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Sir Austen Henry Layard, một nhà khảo cổ học người Anh, phát hiện những tàn tích của Thư viện Hoàng gia Ashurbanipal vào thập niên 1850 khi ông tham gia dự án khai quật thành phố cổ Nineveh của Bảo tàng Anh. Thư viện bao gồm hai căn phòng nhỏ nằm bên trong cung điện hoàng gia của vua Ashurbanipal với kích thước (8m × 6m) và (7m × 6m). Bên ngoài mỗi căn phòng là bức phù điêu khổng lồ với hình ảnh của vị thần cá Dagon đang đứng canh gác. Công việc khai quật diễn ra không liên tục cho đến những năm 1930.

Trong suốt quá trình khai quật, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng hơn 30.000 tấm bảng đất sét và vô số mảnh vỡ của chúng trong thư viện. Các tấm đất sét lớn nhất khá phẳng, có kích thước 23cm × 15cm. Trong khi đó, những phiến đất sét nhỏ nhất trông hơi lồi và dài không quá 2cm. Nội dung của các tài liệu khá đa dạng, bao phủ nhiều chủ đề khác nhau như y học, thần thoại, lịch sử, tôn giáo, ma thuật, khoa học, thơ ca và địa lý, tất cả đều hỗ trợ các nhà khoa học hiểu rõ hơn về nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại. Hiện tại, hầu hết các hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh. 

Hình ảnh Thư viện hoàng gia Ashurbanipal (Nguồn: kyluc.vn)

Các vị thần y học của người Lưỡng Hà cổ đại 

Niềm tin vào các vị thần là nền móng cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của người Lưỡng Hà cổ đại. Trong thực hành y khoa, người dân đặt niềm tin vào nữ thần chữa bệnh Gula. Bà là vị thần được cho rằng đã hướng dẫn các bác sĩ trong điều trị các vấn đề sức khỏe trong hơn 2000 năm. Không những vậy, nhiều khía cạnh của y học sau này gắn liền với Hy Lạp được cho rằng khởi nguồn tại Lưỡng Hà.   

 

Hình ảnh nữ thần Gula (nguồn:wikipedia) 

 

Người được cho là con trai của nữ thần Gula, Ninazu, vị thần của thế giới ngầm, rắn và thảm thực vật. Tuy hiếm thấy bằng chứng cho rằng ông có liên quan đến y học, tên của ông theo tiếng Sumer lại có nghĩa là God Healer (thần chữa trị). Ngoài ra, hình tượng con rắn quấn quanh cây trượng vốn là biểu tượng của ngành y được cho rằng bắt nguồn từ ông. 

 

Hình ảnh thần Ninazu cầm cây đinh ba (nguồn: The British Museum)

 

Các bác sĩ ở Lưỡng Hà cổ đại 

Các bác sĩ ở Lưỡng Hà được xếp vào tầng lớp được tôn trọng và có học thức nhất Lưỡng Hà cổ đại. Họ được đào tạo trong khoảng thời gian dài, bảo mật và gắn liền với các ngôi đền chữa trị. 

Các bác sĩ được chia thành 2 dạng chính: asu và ashipu. Asu là người hành nghề y học trị liệu, bao gồm điều trị bằng thảo dược và phẫu thuật. Ngược lại với asu là ashipu, bác sĩ điều trị dựa trên các hiện tượng “siêu nhiên” như bói toán, tín ngưỡng. Theo văn bản của Bộ luật Hammurabi thì ashipu còn được chia thành baru (thầy bói): người có khả năng tiên đoán, tiên lượng bệnh và ashipu: người sử dụng các bùa chú trừ tà ma quỷ và liên lạc với với các vị thần. 

Hình ảnh asu đang chữa trị bằng thảo dược

 

Tuy cùng tồn tại trong 1 thời nhưng có vẻ như không có nhiều sự cạnh tranh giữa 2 dạng bác sĩ. Kể cả khi vị vua bị bệnh thì sẽ tham khảo ý kiến của cả hai dạng bác sĩ. Mặc dù theo các học giả thời hiện đại đôi khi đề cập đến ashipu là một 'bác sĩ phù thủy' và asu là một 'bác sĩ y khoa’, người Lưỡng Hà dành cho cả hai sự tôn trọng như nhau. Không có gợi ý nào trong các văn bản cổ rằng cách tiếp cận này hợp pháp hơn cách tiếp cận kia. Trên thực tế, cả hai dạng bác sĩ dường như có tính hợp pháp như nhau. Sự khác biệt đáng kể giữa hai dạng bác sĩ là asipu dựa vào các câu thần chú và lời cầu nguyện siêu nhiên, trong khi asu xử lý trực tiếp thông qua các loại dầu và thuốc thảo dược. Tuy nhiên, cả hai dạng bác sĩ chữa bệnh chấp nhận nguồn bệnh siêu nhiên và asu không nên được coi là 'hiện đại' hơn asipu.

Hình ảnh Ashipu chữa trị bằng bùa chú

 

Khái niệm về bệnh tật ở Lưỡng Hà cổ đại 

Mọi bệnh tật đều được coi là do thần thánh hoặc do ma quỷ. Vì vậy, điều thiết yếu là các vị thần và ma quỷ phải thường xuyên được xoa dịu bằng cách thờ cúng đúng cách và đeo bùa hộ mệnh và bùa chú thích hợp. Những điều cấm kỵ phải được công nhận và tôn trọng. 

Hình ảnh Bùa hộ mệnh bảo vệ khỏi quỷ Lamashtu (nguồn: worldhistory.org)

 

Bệnh tật được đưa đến như một hình phạt cho những tội lỗi chống lại thần linh. Nhưng ngay cả khi không có tội lỗi, bệnh tật vẫn có thể do ma quỷ gây ra. Ma quỷ có thể tấn công khi người bệnh “thiếu thận trọng”, tức họ không nhận biết được các điềm báo về bệnh tật trong cuộc sống hằng ngày. Hoặc chúng có thể tấn công thông qua các thầy phù thủy có thể làm phép, khiến ma quỷ xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra ma quỷ có thể  “lây nhiễm” từ người bệnh do đó những người mắc bệnh bị ô uế và phải tránh xa. Các vị thần và ác quỷ khác nhau gây ra những căn bệnh khác nhau và người ta đặc biệt chú ý đến các điềm báo (bao gồm hiện tượng sao, giấc mơ, quan sát sự nhấp nháy của ngọn lửa mới thắp sáng hoặc sự lan rộng của một giọt dầu trên mặt nước, sự hiện diện của động vật hoặc màu sắc,...). cho biết nguyên nhân và tiên lượng bệnh. Họ không có kiến ​​thức đáng kể về giải phẫu hoặc sinh lý học, và việc mổ xẻ người hoặc động vật vì lý do khoa học đã không được thực hiện. Tuy nhiên, họ đã nỗ lực nghiên cứu các cơ quan và chức năng của động vật mà họ đã thuần hóa như gia súc, để tìm hiểu về giải phẫu và cách thức hoạt động của từng cơ quan nhằm cung cấp cho họ kiến ​​thức về những gì có thể làm để cải thiện hoạt động y tế của họ.

Thực hành y học ở Lưỡng Hà cổ đại  

Asu và Ashipu thường đến thăm nhà bệnh nhân để đưa ra ý kiến ​​về cách quản lý phù hợp. Họ ghi nhận những điềm báo quan trọng trên đường đi và trong phòng bệnh, nhưng cũng chú ý đến tình trạng và triệu chứng của bệnh nhân, theo thứ tự có hệ thống từ đầu đến chân.. Các tình trạng bệnh tật được xác định nhìn chung rất mơ hồ và sự nhận biết chủ yếu dựa trên bói toán (điềm báo, giấc mơ, v.v.) nhưng cũng dựa trên quan sát trực tiếp. Bệnh được theo dõi hàng ngày và được đưa ra các tiên lượng đơn giản.  Tài liệu y khoa Lưỡng Hà không có mô tả trường hợp lâm sàng điển hình nào như của y học Hippocrates.

Khi chẩn đoán, điều quan trọng là phải xác định chính xác con quỷ gây ra căn bệnh này , cũng như lý do tại sao con quỷ lại hành động. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiên lượng bệnh.  Mục đích chính của việc điều trị là loại bỏ con quỷ hay linh hồn tà ác gây ra tình trạng bệnh, hoặc xoa dịu các vị thần đang giận dữ. Sau khi xác định được nguyên nhân thông qua bói toán, các nghi thức như câu thần chú, bùa chú hay bùa hộ mệnh sẽ được đeo. Nếu đó là do 1 con quỷ sẽ bị ashipu trừ tà. Các liệu pháp điều trị bằng thảo được sẽ được kê đơn với rất nhiều loại thuốc. Mặc dù không có văn bản cổ nào của người Lưỡng Hà về kỹ thuật phẫu thuật, nhưng chắc chắn nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau (bao gồm cả công việc nha khoa) đã được thực hiện.

Phí dịch vụ  tùy thuộc vào địa vị xã hội của một người theo thang bậc. Một bác sĩ chủ trì sự ra đời của một quý tộc được trả nhiều hơn so với một lần sinh thông thường, và phong tục này đã được thấy từ lâu trước Bộ luật Hammurabi (c. 1772 TCN) thực hành y tế được hệ thống hóa. Trong khi bác sĩ có thể được trả bằng vàng để trộn một phương thuốc cho một hoàng tử, khoản thanh toán cho việc làm điều tương tự cho một người bình thường có thể là một bát súp hoặc một cốc đất sét. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các bác sĩ do dự trong việc điều trị cho người nghèo, và các đơn thuốc tương tự đã được đưa ra, với cùng các thành phần, mà không quan tâm đến địa vị xã hội của bệnh nhân. 


 

Các đơn thuốc ở Lưỡng Hà cổ đại 

Thuốc thường được nghiền bởi bác sĩ dưới sự chứng kiến của bệnh nhân, trong khi các câu thần chú được đọc. Một đơn thuốc thời Babylon cho một chấn thương vùng mặt viết: “Nếu một người đàn ông bị bệnh với một cú đánh vào má, hãy giã nhựa thông, dầu thông, cây thánh liễu, cây cúc, bột mì Inninnu; trộn sữa và bia trong một cái chảo đồng nhỏ; phết lên da, băng vào người và anh ta sẽ hồi phục”.

 

 

 

 

Hình ảnh 1 đơn thuốc ở Lưỡng Hà cổ đại (nguồn: worldhistory.org)

 

Thuốc sát trùng được làm từ hỗn hợp rượu, mật ong và nhựa thơm. Phẫu thuật tiên tiến hơn so với các vùng khác vào cùng thời điểm. Người Lưỡng Hà nhận ra rằng rửa vết thương bằng nước sạch và đảm bảo rằng tay của bác sĩ cũng sạch sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và nhanh lành vết thương. Tay và vết thương được làm sạch bằng hỗn hợp bia và nước nóng mặc dù trong ghi chép cho thấy răng thời ấy đã có xà phòng lỏng..

Có một văn bản  dường như đưa ra các chỉ định phá thai.Trên văn bản có viết rằng: “Làm cho một phụ nữ mang thai sảy thai.” Đơn thuốc bao gồm tám thành phần được cho người phụ nữ uống với rượu và uống khi bụng đói. Phần kết thúc với dòng chữ “người phụ nữ đó sẽ sảy thai”

 

 

 

Hình ảnh đơn thuốc gây sảy thai (nguồn: worldhistory.org)

 

Thậm chí còn có một phương pháp thử thai được đề cập trong các văn bản y học, theo đó một số loại thảo mộc được phụ nữ mặc trong quần lót sẽ hấp thụ dịch tiết âm đạo và đổi màu nếu người phụ nữ mang thai. Cũng có những phương pháp đảm bảo khả năng sinh sản, những ngày tối ưu mà người phụ nữ có nhiều khả năng thụ thai hơn và những phương pháp khác để tăng ham muốn tình dục của phụ nữ sau khi sinh.

Niềm tin mạnh mẽ vào hiện tượng siêu nhiên trong thực hành y học 

Các bác sĩ không chịu trách nhiệm nếu các thủ thuật này không hiệu quả. Vì các vị thần là nguyên nhân trực tiếp và cũng là nhân tố chữa bệnh, nên một bác sĩ chỉ có thể chịu trách nhiệm về những gì anh ta hoặc cô ta đã làm hoặc không làm khi thực hiện một thủ thuật. Nếu một quá trình điều trị được chấp nhận được thực hiện chính xác như đã viết, ngay cả khi bệnh nhân không được chữa khỏi, bác sĩ vẫn đang làm đúng.Ngoại lệ duy nhất đối với quy tắc này liên quan đến phẫu thuật, trong đó, nếu ca phẫu thuật thất bại, bác sĩ sẽ bị cắt cụt một tay (hoặc cả hai tay), như được ghi nhận trong điều 218 của Bộ luật Hammurabi . 

Hình ảnh văn bản khắc trên bia đá của bộ luật Hammurabi  (nguồn: wikipedia)

Mặc dù các bác sĩ hiểu tầm quan trọng của việc bắt mạch bệnh nhân để xác định tình trạng sức khỏe của một người và nhận ra tầm quan trọng của thuốc sát trùng và sự sạch sẽ, nhưng họ không bao giờ đánh đồng mạch với hệ thống tuần hoàn, họ cũng không hoàn toàn công nhận sự nhiễm bẩn là mang tới vi trùng gây nhiễm trùng. Vì người ta cho rằng bệnh tật đến từ các tác nhân siêu nhiên, nên các bác sĩ luôn dựa vào các phương pháp điều trị liên quan đến những gì ngày nay người ta gọi là 'chiêm tinh học' và 'bói toán', đặc biệt là tầm quan trọng của các điềm báo. Điềm báo thể hiện tiên lượng người bệnh, như những gì mà ashipu và asu thấy trên đường đến nhà bệnh nhân. Có thể kể tới như khi học thấy 1 con chó đen hay 1 con lợn đen, người bệnh đó sẽ chết. Ngược lại, nếu họ thấy 1 con lợn trắng, người bệnh sẽ sống. Hay các điềm báo dựa trên giấc mơ hoặc những gì bệnh nhân thấy, ví dụ như khi người bệnh thấy 1 con linh dương thì họ sẽ khỏi bệnh. 

 

Kết luận 

Hơn 1 nghìn năm trước thời đại của Hippocrates (người được gọi là cha đẻ của y học phương Tây), trước khi mô tả về việc xử trí và điều trị vết thương trong Iliad, nền y học tại Lưỡng Hà cổ đại đã dần hình thành bao gồm chẩn đoán, ứng dụng thảo dược vào điều trị. So với y học Hy Lạp cổ đại, y học Lưỡng Hà còn dựa nhiều trên niềm tin vào các hiện tượng siêu nhiên. Tuy nhiên, xét cho cùng thì niềm tin vào “tính hợp lý” của các điềm báo cũng tương đồng với niềm tin vào kinh nghiệm của Hippocrates. Và trong những cách tiếp cận y học của người Lưỡng Hà cổ đại một phần cũng phản ánh được y học thời hiện đại. Họ nhận ra và báo cáo các tác động lên cơ thể của các yếu tố như lạnh, rượu bia hay sự nhiễm bẩn. Xét về hướng tiếp cận của các asu, người có xu hướng phát triển mô hình khám chữa bệnh dựa trên các văn bản về đơn thuốc kèm với kinh nghiệm bản thân, cách tiếp cận này đã được phát triển song song với khám chữa bệnh dựa trên các hiện tượng siêu nhiên trong suốt niên đại này. Và đây cũng là bằng chứng cho sự phát triển của y học thời Lưỡng Hà cổ đại dựa trên những phương pháp y tế phức tạp thay vì chỉ đơn thuần là chữa bệnh bằng trừ tà bói toán. Tuy so với y học của nền văn minh Ai Cập, y học thời Lưỡng Hà ít có tác động lên y học Hippocrates, nhưng đáng chú ý là cây quyền trượng có hình con rắn quấn vào, biểu tượng của ngành y thời hiện đại, gắn liền với Hippocrates và người Hy Lạp, nó có nguồn gốc từ Lưỡng Hà.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_medicine
  2. https://scholarworks.gvsu.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1056&context=gvjh
  3. https://www.historyofinformation.com/detail.php?id=2155
  4. http://oracc.museum.upenn.edu/asbp/whatisthelibrary/index.html
  5. https://www.worldhistory.org/article/687/medicine-in-ancient-mesopotamia/
Hỗ trợ khách hàng
Các chuyên viên tư vấn của chúng tôi luôn sẵn sàng giúp bạn. Xin vui lòng liên hệ một trong các số dưới đây để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn:

Chuyên viên CSKH - Pivie

0941269911 cskh@pivie.com.vn

Sẵn sàng hỗ trợ qua

Chuyên viên CSKH - Pivie
Biểu mẫu gửi yêu cầu
Hãy cho chúng tôi biết mong muốn của bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ lại cho bạn ngay lập tức.