NIÊN ĐẠI 530-410 TCN
ALCMAEON XỨ CROTON VÀ BÍ ẨN VỀ TÂM TRÍ CON NGƯỜI
Nguyễn Quang Vinh
Thần học là khoa học của mọi khoa học. Con người tìm đến tôn giáo cũng như triết học để lấp đầy khoảng trống tâm hồn bên trong. Triết học Hy Lạp thời kì tiền Socrates là thời kì đầu tiên của nền triết học truyền thống Tây phương. Với tư tưởng tiến bộ và mang tính đột phá khi loại bỏ các yếu tố siêu nhiên thần bí về các hiện tượng tự nhiên. Thay vào đó là lời giải thích có được nhờ lý tính qua quan sát, thử nghiệm cùng trí thông minh tự nhiên mà hình thành các lập trường, có thể kể đến nhất nguyên luận (chỉ một trong các yếu tố nước hoặc không khí hoặc lửa, v.v.), đa nguyên luận (đất, nước, lửa, không khí, v.v.) hay nguyên tử luận (nguyên tử).
Vào khoảng thế kỉ V-VI TCN, trong thời buổi chuyển giao giữa khoa học thần bí và khoa học thực nghiệm (thời kì sơ khai) ấy có rất nhiều triết gia kiêm nhà khoa học với những tư tưởng mang tính cách mạng, những cuộc thử nghiệm với mong muốn thấu hiểu tự nhiên và con người. Nổi bật là Alcmaeon - triết gia, nhà khoa học, bác sĩ đã thực hiện các ca giải phẫu xác chết, thí nghiệm trên động vật, mô tả giải thích các hiện tượng sinh lý của cơ thể. Ông cho rằng, bộ não là nơi phát xuất của trí thông minh và các cảm giác thu được từ giác quan. Ông cũng đặt ra giả thiết rằng mỗi vùng của não đóng vai trò cho mỗi cảm giác khác nhau. Ông cũng có khái niệm sơ khởi về vòng tuần hoàn của máu với sự phân tách động mạch – tĩnh mạch. Các công trình của ông tập trung chủ yếu vào bộ não, thị giác, thính giác. Dưới góc nhìn giải phẫu, ông mô tả đường đi của dây thần kinh thị. Dưới ảnh hưởng của thuyết đa nguyên luận, ông quan niệm mắt có chứa cả lửa và nước. Mắt muốn nhìn thấy một vật thì vật đó phải lọt vào tầm nhìn và có ánh sáng truyền vào mắt qua phần trong suốt, lấp lánh. Những thành tựu mang tính cách mạng ấy khiến ông được biết đến với cái tên Cha đẻ ngành thần kinh học, Cha đẻ ngành giải phẫu học, Cha đẻ ngành sinh lý học. Cách giải thích của ông mộc mạc, tuy nhiên có giá trị tiến bộ rất lớn trong thời đại mà hầu hết các sự kiện đều được lý giải dưới cái nhìn thần bí. Những quan sát này đã góp phần vào việc nghiên cứu y học bằng cách thiết lập mối liên hệ giữa não và các cơ quan cảm giác, đồng thời vạch ra đường đi của các dây thần kinh thị giác cũng như khẳng định rằng não là cơ quan của tâm trí.
Công việc của Alcmaeon cũng có tác động quan trọng đến sự phát triển của y học phương Tây. Sự nhấn mạnh của ông vào việc quan sát và mổ xẻ đã giúp thiết lập một phương pháp tiếp cận khoa học đối với y học, trong đó nêu bật tầm quan trọng của bằng chứng thực nghiệm và thử nghiệm. Công trình của Alcmaeon về não và các giác quan cũng giúp xác định tầm quan trọng của việc hiểu biết về hoạt động sinh lý cơ bản của bệnh tật, tạo nền tảng cho những tiến bộ sau này trong khoa học y sinh.
Những ý tưởng của Alcmaeon về bộ não và các giác quan có tác động rất lớn đến sự phát triển của triết học Hy Lạp cổ đại. Sự hiểu biết của ông về bộ não là nơi tạo ra trí thông minh và ý thức đã thách thức niềm tin về bản chất của linh hồn và tâm trí vào thời điểm đó. Công trình của Alcmaeon đã đặt nền móng cho các cuộc tranh luận triết học và khoa học sau này về mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí, và những ý tưởng của ông tiếp tục ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta về những vấn đề này ngày nay.
- https://en.wikipedia.org/wiki/Alcmaeon_of_Croton
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Tri%E1%BA%BFt_h%E1%BB%8Dc_ti%E1%BB%81n_Socrates
- Celesia GG (2012), “Alcmaeon of Croton's observations on health, brain, mind, and soul”, J Hist Neurosci, 21(4), 409-26.