Iry – bác sĩ mắt, tiêu hóa, người chăm lo cho sức khỏe đường ruột của hoàng tộc Ai Cập cổ đại.
BS. Phạm Trường Đăng Minh
Nền Y khoa của người Ai Cập được dựa trên nền tảng của sự kết hợp của y học chính danh và thực hành tôn giáo. Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Ai Cập cổ đại. Thật vậy, vào thời đại này, người giữ chức vụ thầy thuốc đôi khi sẽ kiêm luôn cả nhiệm vụ của một tư tế, cùng với việc thường xuyên sử dụng các câu thần chú, bùa hộ mệnh và hình ảnh liên quan đến các vị thần như thần Horus và thần Seth. Đời sống và quan điểm tôn giáo của người Ai Cập đã giúp hình thành sự hiểu biết của họ về cơ thể con người, cách thức hoạt động và cách chữa bệnh cho con người.
“Về kiến thức y khoa thì người Ai Cập đã vượt xa toàn bộ thế giới”, Homer đã từng viết trong cuốn Odyssey, là một trong hai thiên sử thi được cho là đã từng được biên soạn cách nay 3000 năm. Nghe thì có vẻ xa xôi, nhưng thực ra thời của Homer còn gần với thời hiện đại chúng ta hơn so với thời của ông với thời của Pha-ra-ông đầu tiên của Ai Cập. Nền văn minh Ai Cập đã kéo dài khoảng chừng 7000 năm tuổi. Các dân cư của sông Nile này đã tạo nên một trong những nền văn minh hung vĩ nhất trong lịch sử nhân loại.
Nhắc đến nền văn minh Ai Cập cổ đại thì lại không thể không nhắc đến các vị bác sĩ thời đó. Herodotus là một nhà sử học Hy Lạp, người đã từng viếng thăm Ai Cập vào năm 2500 trước, đã cung cấp cho chúng ta thông tin rằng toàn bộ các bác sĩ Ai Cập đều là các bác sĩ chuyên khoa: “Họ thực hành một nền y học chuyên sâu; mỗi bác sĩ chỉ điều trị một bệnh lý nhất định, không hơn. Do đó toàn bộ đất nước có rất nhiều bác sĩ, một số điều trị các bệnh lý ở mắt, một số điều trị bệnh lý ở đầu, một số khác chuyên về răng, về đường ruột, và một số chuyên về bệnh lý toàn thân.
Vị bác sĩ Ai Cập xa xưa nhất mà chúng ta biết cũng là một bác sĩ chuyên khoa. Ông ta đã phục vụ Pha-ra-ông với nhiều vai trò như bác sĩ, thủ tướng, kiến trúc sư trưởng, nhà thiên văn học trưởng, pháp sư hoàng gia và nhiều chức vực khác. Tên của ông ấy là Imhotep. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta không có nhiều thông tin về các kĩ năng và việc thực hành y khoa của Imhotep. Nhưng chúng ta biết rằng ông ta là một bác sĩ của hoàng tộc, là một vị trí chỉ được trao cho người thầy thuốc đại tài nhất Ai Cập. Vào thời đại đó, không có sự phân chia rạch ròi giữa các lĩnh vực y khoa, tôn giáo và phép thuật. Imhotep vừa là giáo sĩ, vừa là pháp sư, kiêm thầy thuốc. Có lẽ ông cũng đã từng tự xưng rằng mình có thể làm phép thuật để chữa bệnh, nhờ vào việc thờ phụng các vị thần chữa lành. Chúng ta đã tìm thấy những bằng chứng khảo cổ học cho thấy rằng không lâu sau thời của Imhotep, người Ai Cập đã bắt đầu sử dụng các thuật ngữ như “bác sĩ” và “pháp sư” một cách độc lập với nhau. Do đó có thể nói, hai lĩnh vực này đã dần được tách biệt và cùng tồn tại song song với nhau, mặc dù người Ai Cập vẫn xem chúng luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Những người thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội thường sẽ tìm đến những câu thần chú, bùa phép của các pháp sư. Mặt khác, những thương gia và giai cấp quý tộc thường sẽ được phục vụ bởi các bác sĩ lành nghề.
Thời của Herodotus ở khoảng giữa từ thời Pha-ra-ông Menes với thời chúng ta. Lúc đó, ông đã từng cho rằng Ai Cập là một vùng đất cực kì cổ đại. Chúng ta không thể dùng nhận định của ông về nền y khoa Ai Cập vào năm 450 trước Công Nguyên để áp dụng cho toàn bộ lịch sử phát triển y khoa Ai Cập. Chắc chắn rằng, đã từng có các bác sĩ đa khoa ở Ai Cập, và cũng có các bác sĩ chuyên khoa. Nhưng các chứng cứ khảo cổ học cho chúng ta biết rằng hệ thống các bác sĩ chuyên khoa ở Ai Cập do Horodotus phát hiện có thể đã hình thành từ những giai đoạn đầu của nền văn minh này. Các chữ tượng hình được chạm khắc đã nhắc đến nhiều chuyên khoa y học khác nhau vào những triều đại đầu tiên, nhưng đôi khi một bác sĩ có thể thực hành cùng lúc nhiều chuyên khoa.
Điển hình là bác sĩ Iry, là người quản lý hội đồng bác sĩ của một trong số các Pha-ra-ông của Triều đại thứ tư, vào khoảng năm 2500 trước Công Nguyên. Ông là bác sĩ mắt đầu tiên được biến đến cho đến ngày nay. Thời của Cheops, ông cho xây dựng các ngôi mộ tại vùng Giza dành cho gia đình và những người hầu của mình. Ngày nay, chúng ta đã khai quật được hai khu vực vô cùng rộng lớn với nhiều ngôi mộ khác nhau tại phía đông và phía tây của Kim tự tháp Cheops. Tại đây, tấm bia của Iry được tìm thấy vào ngày 23 tháng 01 năm 1926 bởi nhà khảo cổ học người Đức, Hermann Junker (1877 – 1962) tại một ngôi mộ ở phía Tây của Kim tự tháp Cheops. Junker cũng là một nhà Ai Cập học, và cùng với những kiến thức của mình, ông là người đầu tiên giải mã được những văn tự trong tấm bia của Iry. Thêm vào đó, bác sĩ người Đức, Rembert Antonius Watermann, là người đầu tiên ghi nhận và vẽ lại những chữ tượng hình trên tấm bia của Iry. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta mới có thêm những thông tin vô cùng thú vị về vị bác sĩ Ai Cập này và những thực hành y khoa lúc bấy giờ.

Bia mộ của Iry.

Bản vẽ của Watermann, phác họa lại những hình ảnh và ký tự trên tấm bia mộ của Iry.
Bia mộ trên cho thấy Iry đang ngồi trên chiếc ghế ở trước bàn nghi lễ. Các văn tự cho thấy Iry là bác sĩ mắt, tiêu hóa, người chăm lo cho sức khỏe đường ruột của hoàng tộc Ai Cập cổ đại. Ông còn là người pha chế “bm”, là một loại thuốc được cho là vô cùng quan trọng, nhưng tên của bài thuốc này cho đến nay vẫn chưa được giải mã và ông cũng đã biết về các loại dịch trong cơ thể. Một vị bác sĩ khác cũng trong thời kì này vừa là nha sĩ, vừa là bác sĩ tiêu hóa cho hoàng tộc. Nha khoa có thể đã được thực hành từ các thời kì sớm của lịch sử Ai Cập, vì những hàm răng được tìm thấy trong những ngôi mộ của Triều đại thứ tư có những dấu hiệu cho thấy chúng đã từng được phẫu thuật để dẫn lưu dịch mủ từ các túi áp xe nằm ở dưới răng cối số một.

Giải nghĩa các văn tự Ai Cập trên bia mộ của Iry.
Người Ai Cập không hề vứt bỏ một thứ gì thuộc về họ. Thời gian có thể đã phá hủy nhiều sản phẩm văn hóa của Ai Cập, nhưng một số lượng lớn vẫn còn tồn tại ở đó. May mắn thay, đa phần các văn bản y khoa của họ được lưu truyền đến nay đều còn nguyên vẹn. Chúng mở đường cho chúng ta quay về một thời kì cùng với một nền nghệ thuật chữa bệnh được thực hành dọc theo vùng đất cạnh sông Nile hàng ngàn năm về trước. Nhãn khoa có lẽ là một trong những chuyên khoa được phát triển rất mạnh vào thời kì Ai Cập cổ đại. Những văn bản Ai Cập cổ cần được xem xét và giải mã để chúng ta càng hiểu thêm về nền y học của thời kì hùng vĩ này.
Tài liệu tham khảo:
- Tashia Dare. History of Applied Science & Technology. Chapter 3 – Ancient Egyptian Medicine. 2017.
- Robert Silverberg. The dawn of medicine. 1966.
- Sibylle Katharina Scholtz. Iry. Egypt 2400 BCE: Iry – The First Known Ophthalmologist. 2022.