Lưỡng Hà - Thời kỳ không chút nào "lặng lẽ" của Y học

10/10/2023 - 21:29 5.308 lượt xem
A A- A+ []
Mục lục

 

Lưỡng Hà - Thời kỳ không chút nào "lặng lẽ" của Y học

Nguyễn Thành Luân

Nguyễn Thụy Mỹ Duyên

 

Hoàn cảnh thời đại:

Lưỡng Hà (Mesopotamia, tiếng Ai Cập: giữa hai dòng sông) - là cái nôi của nhiều nền văn minh của nhân loại, đã tồn tại hàng ngàn năm. Người dân Lưỡng Hà đã mang đến những đóng góp đáng kể cho tiến trình phát triển của thế giới, những phát minh không phải chỉ mang ý nghĩa quá lớn lao mà chúng còn len lỏi trong từng khía cạnh của đời sống xã hội như: chữ viết (chữ hình nêm), bánh xe, các bộ luật, khái niệm thời gian trong ngày hay quyền công dân…

Vào khoảng năm 2000 TCN, những nhà trị liệu bắt đầu ghi chép lại việc thực hành Y khoa dưới dạng chữ viết, sử dụng một hệ thống chữ viết dạng hình nêm gọi là chữ hình nêm. Chữ hình nêm là một loại chữ viết được sử dụng ở vùng Lưỡng Hà (Iraq cổ đại). Người ta tạo nên các ký tự có hình nêm bằng cách ấn đầu của cây bút sậy có đầu được vát nhọn vào những phiến đất sét mềm, từ đó, xuất hiện loại chữ với tên gọi “chữ hình nêm”. Những phiến đất sét này được phát hiện trong đống đổ nát của thành phố Nineveh (nay là miền bắc Iraq), từng là thủ đô của đế chế Assyria hùng mạnh, do Ashurbanipal cai trị từ năm 669 đến khoảng năm 631 TCN. Thủ đô Nineveh bị lửa thiêu rụi vào khoảng năm 612 TCN và may thay, trong khi sách giấy bị lửa thiêu hủy, hầu hết các phiến đất sét nhờ lửa mà được nung kỹ hơn, khiến chúng trở thành một trong những tài liệu được bảo tồn tốt nhất trong hàng nghìn năm lịch sử của người Lưỡng Hà.

Thư viện của Vua Ashurbanipal:

Vua Ashurbanipal (685 - 627 TCN), là vị vua của đế chế Assyria mới. Trong thời gian trị vì, ông đã phát triển một thư viện sưu tầm và phân loại một cách hệ thống đầu tiên trên thế giới.

Thư viện của Ashurbanipal là Thư viện Hoàng gia lâu đời nhất trên thế giới còn tồn tại. Các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Anh quốc đã phát hiện ra hơn 30,000 bản chữ hình nêm và các mảnh vỡ của chúng tại thủ đô Nineveh (Kuyunjik thời bấy giờ). Bên cạnh các bản khắc chữ, các ký tự và văn bản hành chính và pháp lý lâu đời, các nhà khảo cổ học còn tìm ra hàng nghìn văn bản khác về bói toán, ma thuật, Y học, văn học và từ vựng. Nhờ Thư viện này, Công trình Bách khoa Toàn thư Y học Nineveh ra đời.

Hình 1. Những phiến đất sét từ Thư viện của Vua Ashurbanipal tại bảo tàng, phòng trưng bày số 55.

Bách khoa Toàn thư Y học Nineveh là một cuốn sổ tay 2,600 năm tuổi viết về Y học, trong đó chứa hàng nghìn mô tả về bệnh và triệu chứng, cùng với đó là các đơn thuốc điều trị được chỉ định.

Y học thời kỳ Lưỡng Hà:

Mặc dù nền văn minh Lưỡng Hà tồn tại lâu đời cũng tương đương hay thậm chí có khi đã có trước nền văn minh Ai Cập, hiểu biết của chúng ta về Y học Lưỡng Hà lại ít hơn, chủ yếu là bởi vì nguồn tài liệu chữ hình nêm, loại chữ khá độc đáo mà người Lưỡng Hà đã sáng tạo ra, lại được nghiên cứu ít kỹ lưỡng bằng.

Nhờ Thư viện của Vua Ashurbanipal và Bách khoa Toàn thư Y học Nineveh, chúng ta đã có thể hiểu được phần nào về Lưỡng Hà thời bấy giờ cũng như các thành tựu mà họ đã mang lại cho nhân loại, trong đó có Y khoa.

Nhận thức đối với Y học:

Trong thời kỳ Lưỡng Hà cổ đại, tất cả các bệnh tật đều được xem xét qua góc độ tâm linh, với niềm tin rằng chúng là do sự can dự của thần thánh, ác quỷ, hoặc những linh hồn độc ác khác. Mỗi bệnh tật thường được liên kết với một thần thánh hoặc một linh hồn cụ thể và có tên riêng để mô tả tính chất hoặc lịch sử thần thoại của nó. Bằng cách xác định này, các lời khẩn cầu kêu gọi các thần thánh đã trừng phạt loại bỏ bệnh tật, kèm theo đó là các thảo dược nhằm điều trị giảm nhẹ triệu chứng bệnh. 

Từ đó, bệnh tật đối với người dân Lưỡng Hà thời kỳ này đều do những tác nhân bên ngoài cơ thể gây ra và vì vậy, họ đề cập tương đối ít về ý tưởng điều trị thông qua cân bằng vật chất bên trong cơ thể.

Vào đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, kiến thức về bệnh được hệ thống hóa qua việc liệt kê các lời cầu nguyện chữa trị thành một danh sách cơ bản về những bệnh tật phổ biến nhất. Thông qua danh sách này, người ta nhận thấy được việc thực hành y khoa đã được hệ thống hóa một cách chặt chẽ từ lâu, khởi đầu với sự xuất hiện của Bộ luật Hammurabi vào thế kỷ 18 TCN (1760 TCN). Danh mục Y khoa Assur tiết lộ rằng, vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất TCN, những nội dung này đã được hệ thống hóa thành những tuyển tập văn bản lớn, nội dung trong đó được sắp xếp theo bộ phận cơ thể liên quan đến bệnh, tính từ đầu đến chân.

Thầy thuốc & Khám, chữa bệnh:

Bác sĩ, hay bất kể những ai làm việc trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe - thường là những người có chuyên môn và học vấn cao ở vùng đất Lưỡng Hà và vì lẽ đó, luôn được người dân nơi đây kính trọng. Họ - những người thầy thuốc - trước tiên phải học tập trở thành những người soạn thảo, phải trải qua 10 - 12 năm hoàn thành chương trình học của trường lớp chuyên về soạn thảo, nghiên cứu các bản thảo chữ hình nêm rồi mới nghiên cứu các chuyên luận về Y khoa. Sau khoảng thời gian dài đằng đẵng đó, họ mới cống hiến toàn bộ thời gian của mình cho nghiên cứu Y khoa. Một khi được dân cư nơi đây công nhận là thầy thuốc, những người bác sĩ Lưỡng Hà sẽ sống một cuộc sống khá thoải mái.

Trong suốt lịch sử Lưỡng Hà, người ta phân bác sĩ thành 2 loại chính yếu: asu asipu. Asu là bác sĩ y khoa chữa bệnh hay chữa thương theo kinh nghiệm - chủ yếu điều trị bằng thảo dược và phẫu thuật, họ được đào tạo trong những ngôi trường gắn liền với những ngôi đền của Nữ thần của Y học và Chữa lành - Gula và họ thường tập trung vào những than phiền của người bệnh. Asipu là nhà trị liệu dựa vào cái mà mọi người hay gọi là ‘pháp thuật’, họ hành nghề y thông qua bói toán và tôn giáo, xác định điều gì đã gây ra bệnh tật ở người bệnh: do xúc phạm thần linh hay là do ác quỷ và thường tập trung vào khám lâm sàng ở bệnh nhân. Ngoài ra, còn có những dạng thầy thuốc khác như baru (những nhà bói toán thông qua soi gan động vật để tiên lượng bệnh) và còn một dạng thầy thuốc khác đó là sabutu (bà mụ) chuyên làm công việc đỡ đẻ [Baru, Sabutu]. Dù cho những nhà học giả ngày nay đôi khi đề cập đến asipu như là một ‘bác sĩ phù thủy’ và asu như một ‘nhà thực hành y khoa’, người Lưỡng Hà thời bấy giờ tôn trọng cả hai nhóm người này như nhau.

Bên cạnh đó, đối với nền văn minh này, cả nam và nữ đều có thể trở thành bác sĩ, dù vậy thì, như nhà sử học người Pháp Jean Bottéro (chuyên nghiên cứu về Cận Đông cổ đại) đã ghi nhận: “Những người phụ nữ làm công việc soạn thảo, ghi chép, thầy trừ tà hay chuyên gia trong lĩnh vực bói toán (tức asu hay asipu) có thể đếm được hết trên các đầu ngón tay của một bàn tay”.

Người bác sĩ có kiến thức về bệnh sau quá trình học nhiều năm. Họ nhận định bệnh tật với những cái tên như là “ašû”, “sāmānu” và “ṣētu” hay thông qua sự liên quan của bệnh đến một phần cơ thể cụ thể, ví như “phổi bệnh”, “cơ bệnh” hay “trực tràng bệnh”. Các nhà trị liệu nhận biết được rằng một bệnh có thể biểu hiện thông qua nhiều dấu hiệu từ nhiều cơ quan nhưng họ lại không cho rằng liệu pháp nhắm trực tiếp đến các dấu hiệu đấy là chỉ là để giảm đau chứ thực ra không nhằm điều trị nguyên nhân, tương tự với cái mà ngày nay chúng ta gọi là “điều trị triệu chứng”.

Cơ sở và công cụ khám, chữa bệnh:

Người Lưỡng Hà hiểu được rằng bệnh tật đi đôi với việc không sạch sẽ (dù lúc bấy giờ họ không nhận ra vi khuẩn chính là tác nhân gây bệnh như mọi người ngày nay biết đến), nên việc bác sĩ dùng một cái giường để đặt người bệnh nằm lên, thay vì nằm dưới nền đất bụi bặm, lại khá có ý nghĩa trong điều trị bệnh. Một danh sách phân loại các thiết bị của bác sĩ nêu chi tiết như sau: một chiếc giường và khăn trải giường cùng với các dụng cụ phẫu thuật và các thiết bị y tế khác... những bệnh nhân nặng được khám và điều trị trên giường, và giường cũng có thể được dùng làm bàn mổ ở một số trường hợp.

Phí dịch vụ khám chữa bệnh được tính tùy thuộc vào địa vị xã hội của mỗi người bệnh. Một bác sĩ chủ trì việc sinh nở của một quý tộc được trả nhiều hơn so với chủ trì một ca sinh thường, và việc tính phí như thế này đã được áp dụng rất lâu cho đến khi Bộ luật Hammurabi (khoảng năm 1772 TCN) ra đời và hệ thống hóa hoạt động y tế. Đơn thuốc cũng được cấp như vậy, trong khi người bác sĩ có thể được trả bằng vàng khi pha chế thuốc cho một vị hoàng tử thì khoản tiền trả cho việc này đối với một người bình thường có thể là một bát súp hoặc một chiếc cốc bằng đất sét. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các bác sĩ do dự trong việc điều trị cho người nghèo và họ đều kê những đơn thuốc giống nhau, với cùng những thành phần như vậy mà không quan tâm đến địa vị xã hội của bệnh nhân.

Thuốc - Thảo dược và một số dược phẩm khác:

Các tài liệu Y khoa lưu hành lúc bấy giờ tựa như công cụ để ghi nhớ trong lúc thực hành khám chữa bệnh, có các công thức thuốc nhưng đều bỏ qua những hướng dẫn và số lượng chính xác để chế thuốc. Các thầy thuốc phải dựa vào kinh nghiệm nhất định thông qua việc thực hành nhiều lần, để tìm ra được cách làm đúng, các bước và số lượng chính xác để chế thuốc.

Asu chuẩn bị đơn thuốc tại chính nơi làm việc của mình, họ chuẩn bị sẵn một danh sách các thứ như cách cất giữ thuốc, cân đong, sơ chế, đường dùng thuốc và từ đó, hàng nghìn phương pháp điều trị được sáng chế ra nhờ vào việc kết hợp các nguyên liệu đã có lại, dựa trên thử nghiệm và những lần xảy ra sai sót, bên cạnh đó còn dựa trên một ít lý do về tôn giáo đương thời. Đơn thuốc được chuẩn bị bằng cách được nghiền trong lúc asu đọc một vài câu thần chú dưới sự chứng kiến của người bệnh.

Thảo dược và một số dược phẩm khác là công cụ chữa bệnh được các bác sĩ asu sử dụng rộng rãi tại Lưỡng Hà cổ đại. Thông qua việc sử dụng thực nghiệm để tìm ra các đặc tính của các thành phần của dược phẩm có thể sử dụng, các bác sĩ dùng chúng phục vụ cho việc điều trị, một số dược phẩm khác thì có vẻ phụ thuộc phần nhiều vào sự mê tín và một số ý nghĩa biểu tượng tương đương. Một phiến đất sét chữ hình nêm của người Sumer có niên đại vào khoảng 3000 TCN đã mô tả chi tiết 15 đơn thuốc dược phẩm và những đơn thuốc này, tuy vậy, bị khuyết thiếu về bệnh được chỉ định thuốc hay lượng thành phần trong đó. Thành tố của các đơn thuốc này có nguồn gốc từ thực vật, động vật và khoáng chất: natri chloride, kali nitrat, sữa, da rắn, mai rùa, cây cassia, cây myrtle, cây asafetida, cỏ xạ hương, gỗ liễu, lê, vả tây, thông chà là. Tất cả các phần của cây (về mặt giải phẫu) đều được tận dụng: cành nhánh, rễ cây, hạt, vỏ cây, nhựa cây.

Có hai phương pháp sử dụng thuốc chủ yếu ở Lưỡng Hà: dùng ngoài (băng gạc, bôi, ngâm nước bồn) hay dùng trong (dưới dạng dung dịch thuốc, thuốc nhét, thuốc đạn, thuốc xổ). Nhìn chung, có vẻ như Nội khoa chủ yếu liên quan đến chữa trị các tình trạng bệnh xảy ra bên trong cơ thể, bao gồm các vấn đề với hệ hô hấp, hệ dạ dày - ruột hay hệ thận - tiết niệu và bệnh ở trực tràng. Người Lưỡng Hà không quá hiểu rõ mối liên hệ chính xác giữa bệnh và quy trình chữa bệnh.

Một đơn thuốc từ thời Babylon kê cho một vết thương vùng mặt được viết như sau: “Nếu mà một người đàn ông bị đấm vào mặt, hãy nghiền cùng nhau dầu thông, nhựa thông, tuyết tùng núi, hoa cúc, bột Inninnu, trộn cùng sữa và bia trong một cái chảo bằng đồng rồi bôi lên da của anh ta, nhờ đó anh ta có thể sẽ hồi phục”.

Đôi khi nhiều dạng thuốc khác nhau được sử dụng cùng lúc để trị một tình trạng bệnh nhất định, tựa như một ca bệnh “đau như xuyên thủng dạ dày” sau: “Bạn nghiền nuhurtu ("asafoetida") (và) tīyatu (một loại cây) (và) anh ta uống cùng với bia. Bạn đun sôi šammu peṣû ("loại cây màu trắng") trong dầu (và) rồi bạn đổ vào hậu môn anh ta. Bạn làm nóng lá từ šarmadu (một loại cây), lá từ ašāgu ("acacia") (và) lá từ baltu ("bụi cây gai") trong nước (và) bạn rửa ráy cho anh ta bằng thứ nước đó. Bạn đổ nước ép từ šunû ("cây trinh nữ") (và) nước ép từ kasû ("me") vào hậu môn anh ta. Bạn đun sôi burāšu (một loại bách xù) (và kukru (chất tạo mùi thơm) [. . .] dùng một cái nồi đồng nhỏ, bạn dàn đều (hỗn hợp) lên một mảnh vải (và) bạn băng anh ấy lại bằng mảnh vải đó”.

Hàng nghìn năm nay, cây thuốc phiện đã được biết đến với công dụng giảm đau và khoảng vài thế kỷ gần đây, người ta mới ghi nhận công dụng giảm đau trong phẫu thuật của nó. Cây thuốc phiện ban đầu được trồng ở vùng hạ lưu Lưỡng Hà. Từ khoảng thiên niên kỷ thứ 4, thứ 5 TCN, người Lưỡng Hà cổ đại đã biết dùng cây thuốc phiện do tác dụng gây nghiện của nó. Người Sumer gọi nó là Hul Gil, 'cây của niềm vui', họ truyền bá loài cây này và tác dụng gây hưng phấn của nó cho người Assyria rồi thông qua đó, loại cây và cách sử dụng của nó lần lượt được truyền bá rộng rãi đến người Babylon và người Ai Cập. Cây thuốc phiện có nguồn gốc từ các cây Cannabis sativa, Mandragora spp., Lolium temulentum, Papaver somniferum.

Sinh nở :

Trong thần thoại Lưỡng Hà, người dân tin rằng nữ thần Lamashtu sẽ gây ra cái chết và gây sảy thai khi Người chạm vào bụng của người phụ nữ mang thai. Tương tự vậy, người ta cũng tin rằng ác quỷ Kūbu, hiện thân của những linh hồn chết non, đã gây ra bệnh tật cướp đi mạng sống của những đứa trẻ sơ sinh.

Dân cư Lưỡng Hà đã biết về các loại cây dùng để tránh thai, các loài thực vật và nấm mốc có tác dụng tránh thai hoặc phá thai cũng đã được đề cập trong các văn bản của người Assyria và Babylon, tuy vậy, không có bằng chứng chỉ ra rằng họ đã cố tình sử dụng các loại cây này cho mục đích tránh thai hay phá thai. Người ta biết được rất ít về các quan điểm đạo đức và pháp lý của việc phá thai ở Lưỡng Hà cổ đại. Bộ luật Hammurabi và Luật miền Trung Assyria có ghi chép về hình phạt của một người đàn ông khi làm bị thương một người phụ nữ mang thai, nếu người đàn ông này làm người phụ nữ sảy thai thì hắn ta phải trả tiền phạt và nếu người phụ nữ này mất mạng thì hắn ta phải chịu những hình phạt nghiêm khắc giống như khi hắn giết người.

Về mang thai và sinh con, Y văn của người Lưỡng Hà đề cập đến vấn đề này là “vấn đề của phụ nữ”. Các nữ hộ sinh hỗ trợ bà bầu trong lúc sinh nở và những người thân là nữ cũng có thể có mặt tại đó. Trong lúc sinh nở, bà bầu sẽ được đưa cho vỏ cây để nhai, bụng của họ sẽ được xoa bóp bằng thuốc mỡ và một cây lăn “ma thuật” sẽ được lăn khắp cơ thể họ. Đối với người Sumer và người Akkad, có những nghi lễ nhất định được tiến hành trong lúc sinh nở, có đôi khi là nhằm giải cứu đứa nhỏ đang mắc kẹt trong tử cung của người mẹ. Một số dị tật ở trẻ sơ sinh có thể kể đến là đứa trẻ có hai, ba, bốn hay thậm chí là năm đầu, cùng với các bệnh ở trẻ thường được mô tả trong các bộ văn bản về điềm báo, ma thuật nhưng lại không được đề cập đến trong các văn bản Y học nói về cách chữa trị bệnh. Một đứa trẻ sơ sinh bị dị dạng thì bị coi là điềm xấu, người ta sẽ tiến hành nghi lễ và ném thi thể của đứa bé sẽ xuống sông.

Phẫu thuật:

Nhìn chung, tuy rằng phẫu thuật ngoại khoa thời kỳ Lưỡng Hà khác xa so với những gì chúng ta đã được trải nghiệm ngày nay, ngoại khoa thời kỳ này vẫn được coi là đã có những bước tiến nhất định: dự đoán những điềm báo về bệnh tật của con người thông qua kiểm tra cơ thể, nội tạng của cừu; thực hành thiến ở một số phạm nhân hay nhằm tạo ra những người thái giám/ hoạn quan cho cung điện. Nhằm giảm tỷ lệ tử vong cho những người thái giám thì có lẽ người ta chỉ cắt tinh hoàn chứ không cắt toàn bộ bộ phận sinh dục; gia cụ có thể được tận dụng để phục vụ việc phẫu thuật - một số dụng cụ chuyên dụng khác có thể dùng để khâu vết thương và len là chất liệu thường được dùng để băng, bó vết thương, treo chi gãy, làm tăm bông…; một số loại thuốc giảm đau (rượu, willow, mandrake, henbane, hemp, và cây anh túc) được kê đơn nhằm dùng trong giảm đau răng hay giảm đau trước khi đặt thuốc hậu môn.

Chữa thương:

Quan niệm của người Lưỡng Hà về nguyên nhân của bệnh tật được ghi nhận như sau: nếu ai đó bị bệnh tật mà không phải bị một vết thương nhất định thì nguyên nhân bệnh ở đây là do phạm phải tội lỗi với thần thánh hay là ảnh hưởng của thế lực tâm linh nào đấy, và vì thế, kết quả điều trị xấu có thể không quy về lỗi của asu. Tuy nhiên, đối với những vết thương có nguyên nhân rõ ràng và không thể nhầm lẫn thì người bác sĩ nên có khả năng điều trị bệnh với những phương tiện thô sơ như dao mổ, và nếu người bác sĩ làm tình trạng vết thương tệ hơn thì lỗi này đáng trách giống như là gây ra vết thương ban đầu.

Người Lưỡng Hà biết được ít nhất 2 bước đầu trong ba bước quan trọng chữa trị mọi vết thương: rửa (làm sạch), đặt gạc, và đóng miệng vết thương (washing, applying a plaster, and binding the wound). Asu có hiểu biết về bước thứ 3.

Tuy thời kỳ này đã có sự phát triển khá ấn tượng về mảng ngoại khoa và xử lý vết thương như đã đề cập ở trên, một số điều luật cũng như vấn đề tồn tại đã khiến phẫu thuật không thể có những bước tiến hay đổi mới nào mà vẫn giậm chân tại chỗ. Trước tiên phải kể đến việc thực hành phẫu thuật, trong khi kiểm tra cơ thể và nội tạng con vật thì được, việc mổ xẻ trên người và khám nghiệm tử thi thì không được các bác sĩ thực hiện. Bên cạnh đó, tuy rằng đã có thuốc giảm đau và thuốc sát trùng, các loại thuốc này được đánh giá là không đủ giảm đau hay không đủ vô trùng dành cho phẫu thuật. Quan trọng nhất là sự có mặt của Bộ luật Hammurabi và những ràng buộc của nó đối với người bác sĩ phẫu thuật. Bộ luật nêu chi tiết về định nghĩa phẫu thuật ngoại khoa cũng như hình phạt nếu như phạm sai lầm, trong đó, hình phạt đối với người bác sĩ phẫu thuật thất bại chính là phạt tiền thật nặng và cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể nhà phẫu thuật đó.

Tổng Kết - Tiến Bộ Y Học Vùng Lưỡng Hà Cổ Đại:

Mặc dù nền văn minh Lưỡng Hà tồn tại lâu đời cũng tương đương hay thậm chí có khi đã có trước nền văn minh Ai Cập, hiểu biết của chúng ta về Y học Lưỡng Hà lại ít hơn, chủ yếu là bởi vì nguồn tài liệu chữ hình nêm được nghiên cứu ít kỹ lưỡng bằng. Những phát kiến trong Y học ở vùng Lưỡng Hà cổ đại đã có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ đối với tri thức Y học của thời đại họ mà còn đối với sự phát triển của y học toàn cầu. Người Lưỡng Hà cổ đại đã xây dựng một hệ thống Y học đáng kinh ngạc dựa trên kiến thức quan sát và truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng các phiến đất sét khắc chữ hình nêm.

Sự Kết Hợp Của Kiến Thức Về Y Học và Thần Học:

Trong bối cảnh xã hội có một niềm tin sâu sắc vào sự can thiệp của các thế lực siêu nhiên, người Lưỡng Hà đã kết hợp kiến thức về Y học với thần học. Họ tin rằng ảnh hưởng của thần thánh có thể là nguyên nhân gây bệnh và cũng có thể là phương pháp chữa trị. Điều này đã dẫn đến việc sử dụng các bài lễ và nghi lễ thần học như một phần quan trọng của quá trình điều trị. Tuy nhiên, người Lưỡng Hà cũng đã có kiến thức thực tiễn về thảo dược và các phương pháp Y học tự nhiên. Việc họ gán cho mỗi bệnh là một vị thần riêng biệt tác động, và có những ghi chép về phương thức điều trị bệnh đó là những hệ thống đặt tên bệnh tật sơ khai nhất, cho thấy sự kết hợp độc đáo giữa Y học và thần học trong nền văn hóa của họ.

 

Khám Phá Và Điều Trị Bệnh:

Chúng ta đã thấy rằng người Lưỡng Hà đã tiến xa trong việc nhận biết và điều trị các bệnh. Bằng cách sử dụng các công cụ Y học đơn giản, họ đã cố gắng xác định nguyên nhân gây bệnh. Họ cũng sử dụng phương pháp trị liệu đa dạng, từ sử dụng thuốc thảo dược đến việc áp dụng thuốc trực tiếp lên vùng bị ảnh hưởng. Một điểm đáng chú ý là họ thường áp dụng nhiều phương pháp chữa trị cùng lúc, có thể cho thấy sự tiến bộ trong việc xem xét nhiều khía cạnh của một tình trạng bệnh, và họ cũng đã có nhận thức nhất định về độ phức tạp của các bệnh.

Phương pháp điều trị của họ có vẻ phức tạp và đôi khi dường như là hỗn độn, tuy nhiên, điều này đã thể hiện được sự thử nghiệm liên tục và sự quyết tâm của họ trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Cách họ sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, thậm chí đôi khi sử dụng đồng thời, có thể phản ánh sự tiếp cận đa dạng trong điều trị bệnh.

Những người hành nghề Y khoa được chia thành nhiều nhóm và có những cách tiếp cận khác nhau trong thực hành khám chữa bệnh, họ đều dành thời gian khá lâu (10-12 năm) để được hành nghề Y và đều được người dân tôn trọng. Những người thầy thuốc thời kỳ Lưỡng Hà có phòng làm việc riêng, ở đó có giường bệnh, thiết bị phẫu thuật và thuốc điều trị. Phụ nữ và đàn ông đều được làm bác sĩ, dù cho số lượng nữ giới chỉ “đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay”, đây vẫn được coi là sự tiến bộ về nhận thức của con người thời kỳ cổ đại.

Sinh nở trong Y học Lưỡng Hà cổ đại không được tiến hành tại các bệnh viện hay phòng mổ như ngày nay, mà thường diễn ra tại nhà và được trợ giúp bởi các hộ sinh, những người hộ sinh này không có bằng cấp chính thức. Họ thường sử dụng nước nóng để giảm đau và làm dịu cơ tử cung. Người dân tin rằng các vị thần và quỷ dữ có thể gây sảy thai và bệnh tật cho mẹ và trẻ sơ sinh. Họ có sự hiểu biết về các loại cây và thực phẩm có khả năng tránh thai hoặc phá thai, nhưng không có bằng chứng cụ thể cho thấy họ đã sử dụng chúng với mục đích tương tự. Về pháp luật, việc làm tổn thương phụ nữ mang thai hoặc làm sảy thai bị xem xét nghiêm khắc, với hình phạt tương tự như tội giết người.

Một phần quan trọng của phẫu thuật trong Y học Lưỡng Hà là việc sử dụng gia cụ và công cụ. Họ tận dụng những gì có sẵn xung quanh, bao gồm các dụng cụ chuyên dụng như dao mổ và len làm từ sợi thô. Những dụng cụ này không chỉ được sử dụng để cắt, mổ, và khâu vết thương mà còn để làm băng bó vết thương, treo chi gãy, và nhiều công việc khác. Tuy có những tiến bộ, những cách tiếp cận y học và phẫu thuật ở thời kỳ này còn hạn chế, đặc biệt là do những quy định của Luật Hammurabi, nơi xác định rõ hình phạt cho các bác sĩ phẫu thuật thất bại.

Đặc biệt, Y học Lưỡng Hà đã có kiến thức về thuốc giảm đau và thuốc sát trùng. Các loại thuốc như rượu, cây liễu, cỏ henbane, cây thuốc phiện và nhiều loại thuốc khác đã được sử dụng để giảm đau và ngăn ngừa nhiễm trùng trước khi tiến hành phẫu thuật.

Sự Phát Triển Của Y Học Lưỡng Hà Cổ Đại:

Từ những diễn biến chúng ta đã thấy về Y học Lưỡng Hà cổ đại, có thể suy đoán được rằng họ đã phát triển Y học từ một hệ thống dựa vào kiến thức thần học và kinh nghiệm thực tiễn đến một hệ thống Y học có căn cứ hơn, với kiến thức về thảo dược và cách chữa trị bệnh được sắp xếp và truyền đạt một cách hệ thống. Sự phát triển này có thể thể hiện sự tiến bộ trong tư duy khoa học và khả năng quan sát của họ.

 

Tài liệu tham khảo:

Dự án Giới thiệu Y học Assyria: Chăm sóc Sức khỏe dành cho Đức vua (Introducing Assyrian Medicine: Healthcare Fit for a King).

 

Hỗ trợ khách hàng
Các chuyên viên tư vấn của chúng tôi luôn sẵn sàng giúp bạn. Xin vui lòng liên hệ một trong các số dưới đây để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn:

Chuyên viên CSKH - Pivie - Huyền Hân

0911002612 cskh@pivie.com.vn

Sẵn sàng hỗ trợ qua

Chuyên viên CSKH - Pivie - Huyền Hân
Biểu mẫu gửi yêu cầu
Hãy cho chúng tôi biết mong muốn của bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ lại cho bạn ngay lập tức.