484-425BC: Thực hành y học tại Ai Cập qua lời kể của Herodotus

10/10/2023 - 21:43 759 lượt xem
A A- A+ []
Mục lục

NIÊN ĐẠI 484-425 TCN

THỰC HÀNH Y HỌC TẠI AI CẬP QUA LỜI KỂ CỦA HERODOTUS

Đặng Xuân Thanh

 

Lịch sử Hy Lạp cổ đại trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, văn hóa Hy Lạp cổ đại đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống tại phương Tây nói riêng và thế giới nói chung. Trong suốt chiều dài lịch sử này, thời đại Hy Lạp cổ điển (480-323 TCN), từ khi bị người Ba Tư xâm lược cho đến khi Alexander Đại đế qua đời, được xem là thời đại chuẩn mực khi nghiên cứu về lịch sử Hy Lạp cổ đại. Đây cũng chính là thời kỳ sinh sống của Herodotus cùng sự ra đời của tác phẩm Histories, mang đến cho chúng ta kiến thức về lịch sử của thế giới cổ đại.

Herodotus (484-425 TCN) là một nhà lịch sử và địa lý người Hy Lạp, được mệnh danh là cha đẻ của lịch sử học. Tên tuổi của ông đi kèm với bộ Histories – bộ sách nền tảng về lịch sử phương Tây. Ông là người đầu tiên thực hiện các nghiên cứu có hệ thống về các sự kiện lịch sử. Để hoàn thành tác phẩm của mình, Herodotus đã đi qua nhiều quốc gia thời cổ đại, quan sát và thu thập các câu chuyện từ lời kể của người bản địa, rồi tổng hợp lại thành tác phẩm kinh điển Histories như ta đã biết ngày nay.

Histories được viết vào khoảng những năm 430 TCN, dựa trên những quan sát và các câu chuyện được thu thập trong chuyến hành trình đi khắp thế giới cổ đại của Herodotus. Bộ sách gồm 9 quyển, viết về các vấn đề truyền thống, chính trị, địa lý, và sự xung đột tại khu vực Hy Lạp, Tây Á, và Bắc Phi lúc bấy giờ. Qua tác phẩm Histories, ta có được những hiểu biết về lịch sử và thực hành y học tại Ai Cập cổ đại.

Herodotus viết về Ai Cập

Ai Cập chiếm toàn bộ nội dung quyển sách thứ hai trong bộ Histories. Cách nhìn của Herodotus về Ai Cập bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Hy Lạp đương thời. Đến khi ra đời bộ môn Ai Cập học hiện đại, độ chính xác của các thông tin của Herodotus đã được xét lại. Trong nhiều trường hợp, thông tin của Herodotus là sai, hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên kiến cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thông tin chính xác đến từ sự quan sát hoặc phỏng vấn người bản địa trong chuyến hành trình của mình.

Trong tác phẩm của mình, Herodotus để cập về nhiều vấn đề ở Ai Cập như lịch sử, điều kiện địa lý, động vật, tôn giáo, văn hóa,… Trong đó, các nội dung về văn hóa chủ yếu được mô tả vào thời đại của Cambyses. Khi nói về y học, Herodotus có viết một đoạn như sau:

“ἡ δὲ ἰητρικὴ κατὰ τάδε σφι δέδασται· μιῆς νούσου ἕκαστος ἰητρός
ἐστι καὶ οὐ πλεόνων. πάντα δ᾽ ἰητρῶν ἐστι πλέα· οἳ μὲν γὰρ ὀφθαλμῶν
ἰητροὶ κατεστᾶσι, οἳ δὲ κεφαλῆς, οἳ δὲ ὀδόντων, οἳ δὲ τῶν κατὰ νηδύν,
οἳ δὲ τῶν ἀφανέων νούσων”

Tạm dịch:

“Thực hành y học có độ chuyên môn hóa cao, mỗi bác sĩ chỉ điều trị một loại bệnh, và không nhiều hơn. Cả nước có rất nhiều bác sĩ, một số là bác sĩ về mắt, một số là bác sĩ về răng, một số là bác sĩ về bụng, và một số là bác sĩ nội khoa.”

Tại sao thực hành y học tại Ai Cập lại có sự phân hóa về chuyên môn cao? Trong tác phẩm Histories của mình, Herodotus không đề cập nhiều về vấn đề thực hành y học nơi đây. Do đó, chúng ta hãy cùng xem xét điều kiện lịch sử của Ai Cập để đi tìm câu trả lời.

Sơ lược về Ai Cập

Nền văn minh phương Tây có nguồn gốc từ 2 khu vực lớn: Lưỡng Hà và Ai Cập. Trong đó, vùng Lưỡng Hà nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với những trận lũ lụt không dự báo trước được. Ngược lại, vùng Ai Cập dọc hai bờ sông Nile lại được thiên nhiên ưu ái hơn, với các trận lũ diễn ra hàng năm vào cùng một khoảng thời gian (thường là cuối mùa hạ). Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Ai Cập trở thành một quốc gia giàu có. Mặc dù trải qua một thời gian dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử (kéo dài gần 2700 năm cho đến thời đại của Herodotus), nhưng Ai Cập vẫn luôn là một khu vực cực kỳ giàu có, là chiến lợi phẩm to lớn trong mỗi cuộc xâm lược của ngoại bang. Sự giàu có trong thời gian dài tạo điều kiện cho sự phát triển về chiều sâu trên nhiều phương diện, từ tôn giáo, văn hóa, đến chính trị. Trong đó, có sự phát triển và phân hóa mạnh mẽ về y học.

Thực hành y học tại Ai Cập cổ đại

Trong gần 2700 năm, Ai Cập cổ đại đã nhiều lần bị tàn phá, nhưng may mắn thay, dù ở triều đại nào, vẫn luôn tồn tại tầng lớp tăng lữ chuyên ghi chép lại gần như tất cả các sự kiện và kiến thức vào giấy cói. Và khí hậu khô nóng nơi đây đã giúp bảo quản giấy cói và các xác ướp. Nhờ đó, ngày nay chúng ta có được các tư liệu để tìm hiểu và đặt ra các giả thuyết về thực hành y học tại Ai Cập.

Các thông tin được ghi chép lại trên giấy cói trình bày về rất nhiều vấn đề trong y học. Chẳng hạn, giấy cói viết về phẫu thuật (1550 TCN) được mua lại bởi Edwin Smith năm 1862 ghi chép về các trường hợp chấn thương từ đầu đến hết cột sống. Hay Ebers (1500 TCN) – giấy cói dài nhất và đầy đủ nhất – trình bày 877 mục về các vấn đề y học. Các vấn đề y học được trình bày theo cấu trúc gồm tiêu đề (“Hướng dẫn về…”), khám (“Nếu bạn khám một người có triệu chứng…”), chẩn đoán và tiên lượng (“Bạn có thể nói với anh ta…”), và điều trị. Sự chi tiết, hệ thống, và đồ sộ của các tài liệu y học được ghi chép trên giấy cói cho thấy rằng một học trò sẽ có rất nhiều điều để học và nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Tài liệu viết về phương pháp đào tạo bác sĩ thời kỳ này hiện chưa được tìm thấy, tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng chủ yếu đào tạo theo kiểu học nghề, dưới sự hướng dẫn của cha hoặc những người họ hàng gần.

Trong quá trình ướp xác, một vài nội tạng được lấy ra khỏi cơ thể để chuẩn bị cho quá trình ướp. Các nội tạng ấy gồm gan, phổi, dạ dày, ruột, và não. Nhờ đó, người Ai Cập cổ đại có được những kiến thức về các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Từ đó xây dựng nên học thuyết y học dựa trên kiến thức giải phẫu. Trong đó, có khái niệm met để chỉ một cấu trúc dài mà hẹp nối các thành phần trong cơ thể lại với nhau (tương tự học thuyết kinh lạc của y học Trung Hoa cổ đại). 

Người Ai Cập cổ đại cũng hiểu được rằng thức ăn đi vào dạ dày rồi đi ra khỏi hậu môn. Giấy cói không đề cập đến vai trò của thận, nhưng có ghi chép rằng chức năng của bàng quang là chứa đựng nước tiểu. Họ cũng có các kiến thức cơ sở về hệ sinh sản, mặc dù vai trò của buồng trứng thì chưa được hiểu rõ. Không rõ rằng liệu người Ai Cập cổ đại có hiểu về hệ thần kinh hay không. Hành động không để lại não trong xác ướp cho thấy họ quan niệm rằng não là không cần thiết khi đi đến thế giới bên kia. Tuy nhiên, tài liệu trên giấy cói cũng ghi nhận rằng sự dẫn truyền cảm giác từ hai chi dưới sẽ mất khi có tổn thương cột sống. Do đó, vấn đề này vẫn còn chưa rõ ràng.

Bên cạnh nguồn tài liệu từ giấy cói và xác ướp, hệ thống ngôn ngữ Ai Cập cổ đại cũng cho ta biết về thực hành y học tại đây. Trong tiếng Ai Cập có nhiều từ nói về bác sĩ. Chẳng hạn, swnw mang nghĩa gần với “bác sĩ”, swnw per aa chỉ “ngự y”. Đặc biệt, cũng có các từ chỉ chuyên ngành của bác sĩ, chẳng hạn như swnw irty nghĩa là “bác sĩ mắt”. Điều này cho thấy có sự phân hóa về chuyên ngành trong thực hành y học tại Ai Cập cổ đại.

Trong lĩnh vực ngoại khoa, có nhiều bằng chứng cho thấy người Ai Cập cổ đại có trình độ cao trong việc xử trí các vết thương và chấn thương. Các bộ xương còn tồn tại cung cấp các bằng chứng về khả năng xử trí các trường hợp gãy xương dài. Trong giấy cói Ebers có một phần (863-77) đề cập đến kỹ thuật dùng dao để điều trị các vấn đề y khoa, nhưng lại thiếu thông tin chi tiết. Người Ai Cập cổ đại có thể có kỹ năng khâu vết thương tuyệt vời, nhưng các vết khâu lại không để lại trên các xác ướp được tìm thấy. Nhiều kim khâu rất tốt bằng đồng đã được tìm thấy tại Ai Cập, với niên đại trước thời kỳ đồ đồng.

Các thực hành chăm sóc răng không phẫu thuật được đề cập đến trong giấy cói Ebers (749-49). Các bộ xương còn sót lại cũng cho thấy tỷ lệ sâu răng gần như rất thấp, có thể do chế độ ăn ít đường nhiều mật ong. Mặc dù còn sót lại rất nhiều bộ xương, nhưng gần như không có bằng chứng về các thủ thuật trên răng. Kết quả hình ảnh học được thực hiện bởi R. J. Forshaw trên răng của Amenhotep III và Ramesses II cho thấy mòn răng, abscess quanh chân răng, và các bệnh nha chu nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh rằng, nếu đã thực hiện được thủ thuật nha khoa, chắc chắn răng của các vị pharaoh này phải được chăm sóc rất tốt.

Tài liệu trên giấy cói cũng ghi chép lại hướng dẫn về các bệnh lý phụ sản, các xét nghiệm để xác định sự thụ tinh, có thai, thậm chị là giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, mặc dù có sự tồn tại của bác sĩ mắt với tên gọi swnw irty, tài liệu trên giấy cói lại không chứa nhiều thông tin về thực hành nhãn khoa.

 

Tóm lại, Ai Cập có một vị trí địa lý đặc biệt, được thiên nhiên ưu ái, nhờ vậy mà có thể phát triển và phồn vinh trong thời gian dài, tạo điều kiện cho sự phân hóa sâu sắc trong các lĩnh vực, trong đó có thực hành y học. Từ tài liệu trên giấy cói, các xác ướp, và tác phẩm Histories của Herotodus, chúng ta thấy được rằng thực hành y học tại Ai Cập cổ đại có sự phân hóa về mặt chuyên môn, dựa trên học thuyết y học được phát triển từ các kiến thức giải phẫu, với lượng kiến thức đồ sộ. Dù rằng còn những lĩnh vực trong y học chưa được người Ai Cập cổ đại hiểu rõ, nhưng nhìn chung thì trình độ và phương pháp thực hành y học tại Ai Cập cổ đại đã rất phát triển vào lúc bấy giờ.

Tài liệu tham khảo

  1. Alexander Jones và Liba Taub. The Cambridge History of Science, Volume 1. Cambridge University Press; 2018.
  2. Christopher Baron. The Herodotus Encyclopedia. 1st ed. Willey Blackwell; 2021.
  3. Christopher Brooks. Western Civilization: A Concise History, Volume 1. Portland Community College; 2019.
  4. Delphi Classics. Complete Works of Herodotus. Delphi Publishing Ltd; 2015.


 

Hỗ trợ khách hàng
Các chuyên viên tư vấn của chúng tôi luôn sẵn sàng giúp bạn. Xin vui lòng liên hệ một trong các số dưới đây để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn:

Chuyên viên CSKH - Pivie

0941269911 cskh@pivie.com.vn

Sẵn sàng hỗ trợ qua

Chuyên viên CSKH - Pivie
Biểu mẫu gửi yêu cầu
Hãy cho chúng tôi biết mong muốn của bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ lại cho bạn ngay lập tức.