Y học hy lạp cổ đại – Từ góc nhìn của xã hội và những vở bi kịch

10/10/2023 - 21:44 1.786 lượt xem
A A- A+ []
Mục lục

NIÊN ĐẠI 496-405 TCN

Y HỌC HY LẠP CỔ ĐẠI – TỪ GÓC NHÌN CỦA XÃ HỘI VÀ NHỮNG VỞ BI KỊCH

Nguyễn Đào Ngọc Thuyết

 

Thế kỷ thứ V TCN là khoảng thời gian đỉnh cao của sự phát triển nền văn minh Hy Lạp thời cổ đại. Đó là thế kỷ của Socrates và Plato, của Aeschylus, Sophocles và Euripides, của Anaxagoras, Democritus và Herodotus. Nghệ thuật và cả khoa học đều phát triển hưng thịnh mặc dù Hy Lạp đang chuẩn bị đối mặt thảm họa khủng khiếp của chiến tranh Peloponnesian, cuộc chiến đã đẩy Athens chống lại Sparta, để lại một đất nước bị tàn phá kiệt quệ vào cuối thế kỷ. Nhờ vào sự phồn vinh của thời đại ấy, chúng ta có khá nhiều góc nhìn cũng như bằng chứng về sự tồn tại của y khoa thời kỳ này. Để tìm hiểu y học ra sao vào lúc ấy, chúng ta sẽ bắt đầu từ câu hỏi: “Ai là người bác sĩ ở Hy Lạp trong thế kỷ thứ V TCN?”

Hình tượng nghề bác sĩ thời Hy Lạp cổ đại

Nhà sử học Ludwig Edelstein đã khẳng định rằng “dù trong tình hình nào thì ở xã hội Hy Lạp thời tiền sử, từ thời của Homer (khoảng năm 725 TCN), bác sĩ đã là một ngành nghề không chuyên; họ là “một người làm việc vì lợi ích chung” như những người làm giáo mác, ca sĩ, nhà tiên tri. Trong suốt thời cổ đại, người bác sĩ còn là một nghệ nhân, một nghệ sĩ, một nhà khoa học”. Vì vậy, giống như tất cả thợ thủ công Hy Lạp, người ta cho rằng bác sĩ cũng sở hữu những kiến thức chuyên môn mà chỉ những người hành nghề này mới có được. Họ thường không bị nhầm lẫn với những thương nhân, cũng không bị đánh đồng với thầy cúng hay pháp sư, những nhân vật phổ biến thời cổ đại. Vì vậy, vào thế kỷ thứ V TCN, người ta hầu như không ngạc nhiên khi nhà soạn kịch Sophocles khẳng định: “Một thầy thuốc giỏi sẽ không hát thần chú để chữa một cơn đau có thể điều trị bằng cách phẫu thuật”. 

Dù còn nhiều tranh cãi, thời kỳ này cũng được xem “thời đại vàng” của y học Hy Lạp, với sự hiện diện của bác sĩ Hippocrates, người được sinh năm 460 TCN và mất khoảng năm 370 TCN. Vì vậy sự ảnh hưởng của ông là không thể chối cãi được. Trong tác phẩm của mình, Edelstein đã mô tả đặc điểm của những bác sĩ khuôn mẫu ở thời kỳ này. “Bác sĩ Hippocrate là người hành nghề. Ông làm việc cả thường trú và lưu động; ông có thể đến một thị trấn khoảng một thời gian, rồi đi đến nơi khác, lang thang khắp cả nước. Khi ông ấy ở trong một thị trấn, ông ấy sẽ làm việc ở tiệm của mình hoặc đến nhà bệnh nhân. Nơi tiệm ấy hôm nay có người này, mai lại có người khác đến làm công việc của mình – không phải bệnh viện, cũng không phải phòng khám ở nhà bác sĩ. Bệnh nhân sẽ đến nơi ấy để khám và điều trị, hoặc bác sĩ sẽ đến nhà của bệnh nhân. Một bác sĩ lưu động đến nhà bệnh nhân hoặc sẽ dựng một quầy khám ở chợ của thị trấn hoặc nơi nào đó để hành nghề.”

Các kiểu bác sĩ trong xã hội Hy Lạp thế kỷ V TCN 

Plato và Aristotle trong bức tranh Học viện Athens (Nguồn: wikipedia)

Aristotle và Plato là hai nhà triết gia tiêu biểu nhất của Hy Lạp trong thời kỳ này. Tuy triết lý của hai vị có nhiều điểm khác biệt, nhưng từ quan điểm của họ, chúng ta có thể thấy được góc nhìn của xã hội Hy Lạp thời đó về bác sĩ. Trước tiên, phải khẳng định rằng, những bằng chứng trong tác phẩm của hai triết học gia này đã đưa ra nhận định rằng địa vị xã hội của bác sĩ sẽ thay đổi đáng kể tùy theo quá trình đào tạo và phương pháp hành nghề của họ. Ví dụ như, Aristotle cho rằng thuật ngữ “bác sĩ” bao gồm những người hành nghề bình thường, những bậc thầy của nghề y và cả những người học về y khoa trong chương trình giáo dục phổ thông. Thật ra rất khó để xác định rằng Aristotle đang mô tả những hình mẫu trong nền y học Hy Lạp được xã hội công nhận thời đó hay chỉ là đánh giá cá nhân của ông về việc phân loại bác sĩ. Trước tiên, bối cảnh của thuật ngữ mà Aristotle đưa ra là ông đang cố tìm cách đánh giá mức độ quyền lực của chính quyền trong việc thực hiện công việc của thành bang. Ông so sánh với việc một số bác sĩ không hành nghề nhưng tiếp thu kiến thức y khoa từ chương trình giáo dục phổ thông, nhờ vậy mà họ biết chút ít về y học, tương tự nhiều người dân hiểu biết về công việc của thành bang dù họ không tự thực hiện việc cai trị. Thực tế, ở thời cổ đại, ai cũng có thể hành nghề y, không có một lớp giáo dục chính thống hay hệ thống phân loại gì cả. Hành nghề y ở thời này là quyền chứ không phải là đặc quyền, các bác sĩ không được chứng nhận hay phân loại bởi nhà nước. Cùng với đó, khi cân nhắc về cách tiếp thu kiến thức y học trước thời Socrates như Empedocles, cũng như sự tồn tại các nhà triết học có hiểu biết tổng quát, định nghĩa thứ ba về bác sĩ của Aristotle càng trở nên hợp lí hơn, họ là những bác sĩ được học về ngành y một cách khái quát. Tiếp theo, làm thế nào Aristotle phân biệt “người hành nghề bình thường” và “bậc thầy của nghề”? Việc phân loại này có tương tự việc phân cấp tầng lớp xã hội của bác sĩ hay không, có phải ông đang phân biệt một bên là nhà khoa học – lý thuyết và bên còn lại là bác sĩ lâm sàng? Câu trả lời hợp lí ở đây là không. Cùng lắm là nó chỉ chứng minh được việc nhận biết của Aristotle về một số bác sĩ (như Dicles của Carystus) là một bậc thầy của ngành y bởi vì họ có thể giải thích tại sao cách điều trị của họ hiệu quả. Những người bác sĩ hành nghề bình thường thì không thể, mặc dù họ vẫn đạt được kết quả tích cực sau khi điều trị. Aristotle dễ nhận thấy khác biệt về trình độ hiểu biết của các bác sĩ, dù ông là một nhà lý thuyết về tri thức chứ không phải người trong ngành y, và sự khác biệt này có ý nghĩa nhất định. Từ đó mà ông có thể phân ba nhóm cơ bản như trên. 

Tiếp theo, người ta thấy điều này càng thích hợp hơn khi cùng so sánh với tác phẩm Luật pháp (Laws) của Plato, Plato cũng phân biệt hai tầng lớp xã hội của bác sĩ. Đó là bác sĩ tự do và bác sĩ nô lệ. Bác sĩ tự do “đa phần tập trung vào công dân tự do, chữa bệnh cho họ từ nguồn gốc, một cách khoa học”, bác sĩ nô lệ chủ yếu điều trị cho những nô lệ như họ và không bao giờ giải thích về các than phiền của những nô lệ này. Họ “chả biết gì về lý thuyết” trong khi những đồng nghiệp “tự do” có thể “nói chuyện như một nhà triết học, truy tìm gốc gác của căn bệnh, đánh giá toàn bộ hệ thống sinh lý con người…” Tuy vậy, vẫn quá vội vã nếu kết luận rằng sự khác nhau về mặt xã hội giữa bác sĩ tự do và bác sĩ nô lệ sẽ tạo nên khác biệt quyết định về chất lượng y khoa. Nhà sử học Owsei Temkin đã chỉ ra rằng, bác sĩ nô lệ cũng là một nhóm người nổi tiếng trong thời cổ đại. Những người có trình độ học vấn cao sẽ trở thành nô lệ khi họ hoặc đội quân bại trận của họ trở thành tù bình. Điều này lại tạo ra một chút lý do chính đáng để cho thấy các thầy thuốc thuộc tầng lớp nô lệ sẽ có kiến thức hoặc kỹ năng kém hơn (vì họ là người bại trận). Theo góc nhìn từ những sự thật này, có vẻ Plato cũng giống như Aristotle, ông cảm thấy cần phải phân biệt những người chữa bệnh bằng cách đưa ra cách điều trị từ phương pháp tổng quát, “gần giống như một triết học gia” và những người học các kĩ năng bằng cách bắt chước và học thuộc lòng, nên họ không có nền tảng về quan hệ nhân quả trong y học. Những người ở vế trước giống như là hình mẫu đại diện cho cả ngành nghề này, tương tự như “bậc thầy trong nghề” theo phân loại của Aristotle.

Kết luận an toàn và phù hợp nhất được rút ra từ những bằng chứng ở trên là địa vị xã hội của bác sĩ Hy Lạp rất đa dạng. Nếu cách điều trị của ông ta được cho là thành công, từ đó thu được thêm danh tiếng, trở thành người hành nghề có năng lực tốt, đương nhiên ông ta sẽ được hưởng sự nổi tiếng và địa vị cao hơn những đối thủ cạnh tranh bình thường khác. 

Giáo sư Paul Carrick cũng đã tự đặt ra một câu hỏi rằng: “Có thứ gì giống như khái niệm “chuyên khoa” trong y học hiện đại ở thời cổ đại này không?” Câu trả lời đơn giản là không. Không có một chuyên ngành nào như những thuật ngữ hiện nay, cũng không có chứng nhận của hội đồng hay hệ thống bằng cấp nào cả. Nhưng trên thực tế, dù thừa nhận rằng không có sự phân chia giữa nội khoa và ngoại khoa (ngoại khoa bao gồm cả phẫu thuật, cố định xương, nắn khớp và đốt), vẫn có một số bác sĩ chỉ hành nghề phẫu thuật. Dù có như vậy thì xu hướng chuyên khoa vẫn chỉ là vấn đề cá nhân, chứ không phải là sự phân chia tư tưởng rõ ràng trong ngành y như một số tác giả từng giả định.

Y học trong những vở bi kịch Hy Lạp cổ đại

Khi nghiên cứu về y học cổ đại, các chuyên gia có xu hướng tập trung vào các chuyên luận y học hơn, bởi vì chúng được viết và dành cho những người hành nghề y thời cổ đại. Cách chúng ta nghĩ về cơ thể con người, chúng hoạt động như thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra với chúng cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức đến thế giới, những ý tưởng và phép ẩn dụ mà chúng ta dùng để miêu tả những trải nghiệm khác. Vì vậy, cùng với những tài liệu chuyên môn về y khoa, văn học cổ đại cũng là một lĩnh vực chúng ta nên xem xét. Đây là văn bản dành cho những người dân bình thường, được viết bởi những người không phải chuyên gia y khoa. Đương nhiên sẽ có sự khác biệt không thể tránh khỏi giữa từ ngữ chuyên ngành và cách viết văn thơ, việc so sánh y học và bi kịch vẫn hợp lí bởi vì sự tương tự vốn có về quan điểm của nhà soạn kịch và người viết về y khoa. “Bác sĩ sẽ nhìn thấy những tình cảnh tệ hại”, vậy thì những nhà bi kịch sẽ là người miêu tả tình cảnh tệ hại đó. Aristotle từng viết trong tác phẩm Thơ ca (Poets) rằng, sợ hãi là một trong hai cảm xúc cơ bản mà một bi kịch gợi lên. Vì vậy, những cảnh tượng đau khổ của con người đã gắn kết người viết về y học và các nhà bi kịch.

Trong vở kịch Prometheus (Aeschylus), Io bỏ chạy và rời khỏi sân khấu sau khi bắt đầu cơn mê sảng, diễn tả điều xảy ra với cô ta và nói rằng “Mắt của tôi đang trợn lên, co giật liên tục”. Những người hùng của Sophocles, nạn nhân của căn bệnh điên loạn hung hãn, Ajax và Heracles đều có đôi mắt “trợn lên mọi hướng”. Euripides thì thích kết hợp cả hai triệu chứng trợn mắt và sùi bọt mép trong việc mô tả vợ của Jason trong vở kịch Medea, và Agave trong vở Bacchae. Những triệu chứng này đều có sự tương đồng khi so sánh với các chuyên luận y khoa cùng thời về bệnh động kinh:

“Bệnh nhân không nói được, nghẹn lời, bọt trào ra từ miệng, ông ta cắn chặt răng, hai tay co rút, mắt đảo và trợn mắt, mất nhận thức, đôi khi có chất thải từ ruột chảy ra.”

(The Sacred Disease, Hippocrates)

Tuy nhiên, cũng có những khác biệt nhất định về cách mô tả cơn động kinh trong y văn và căn bệnh trong vở kịch: trong khi những bệnh nhân động kinh không nói được, những nhân vật trong kịch lại trở nên điên loạn, la hét. Các nhà soạn kịch thường có xu hướng miêu tả một căn bệnh trở nên bi kịch hơn, gây ấn tượng mạnh với khán giả để tìm kiếm sự đồng cảm từ họ. Vì vậy họ sẽ làm nổi bật những khoảnh khắc mà người anh hùng phải chịu đựng cơn đau. Từ đó mà lời thoại và những hình tượng được mô tả sẽ có đôi chút khác biệt với những mô tả từ sách chuyên khoa.

Trong tác phẩm Antigone của Sophocles, ông đã liệt kê y học trong một danh mục các kỹ năng đặc trưng cho sự tiến bộ của con người, cùng với ngôn ngữ, tư duy và tổ chức xã hội. Nhiều quan niệm chuyên môn trong y khoa có ở Bộ sưu tập của Hippocrate cũng xuất hiện trong bi kịch. Teucer miêu tả xác chết của Ajax với cụm từ “ống dẫn hoặc kênh dẫn trong cơ thể”, Neoptolemus nhắc đến “mạch máu đen” chảy ra từ chân của Philoctetes. Từ đây, chúng ta có thể nhận thấy có vẻ khoảng cách giữa kiến thức chuyên môn và kiến thức không chuyên trong thời cổ đại nhỏ hơn so với hiện nay. Bi kịch là một hình thức nghệ thuật đại chúng, nó phải dễ hiểu và không mơ hồ, các khán giả thời đại này có thể tiếp nhận những từ ngữ và hình tượng này vì nó quen thuộc với họ. Như đã đề cập ở phần đầu tiên, bác sĩ thời này phần lớn đều hành nghề lưu động, nên có vẻ như người dân cũng có trách nhiệm hơn về sức khỏe của bản thân, và họ có động lực để hiểu biết cơ bản về cơ thể con người, bệnh tật và cách điều trị chúng.

Tóm lại, hình tượng người bác sĩ đã được tách biệt rõ ràng là một lĩnh vực riêng ở Hy Lạp trong thế kỷ thứ V TCN. Tùy vào trình độ, kiến thức chuyên môn, hay tầng lớp mà họ chữa bệnh, người bác sĩ tự xây dưng được địa vị trong xã hội. Tuy nhiên, hành nghề bác sĩ vẫn chỉ là một quyền, ai cũng có thể có kiến thức về y khoa và hành nghề. Người dân cũng có một vài kiến thức cơ bản từ chương trình giáo dục phổ thông, và quen thuộc với những từ ngữ trong y học. Khoảng cách giữa “chuyên môn” và “đại chúng” không quá cách biệt trong thời đại này. 
 

Tài liệu tham khảo:

  1. Carrick, P. J. (2001). Medical Ethics in the Ancient World. Georgetown University Press. https://books.google.com.vn/books?id=vcj1hq1nFWsC

  2. Edelstein, L. (1966). The distinctive Hellenism of Greek medicine. Bulletin of the History of Medicine, 40(3), 197–225. http://www.jstor.org/stable/44447168

  3. Allan, W. (2014). The Body in Mind: Medical Imagery in Sophocles. Hermes, 142. https://doi.org/10.25162/hermes-2014-0017

  4. Silverberg, R. (1967). The Dawn of Medicine. Putnam. https://books.google.com.vn/books?id=5IyFf8j7JrUC

  5. Jouanna, J., & Allies, N. (2012). Hippocratic medicine and Greek tragedy. In P. van der Eijk (Ed.), Greek Medicine from Hippocrates to Galen (pp. 55–80). Brill. http://www.jstor.org/stable/10.1163/j.ctt1w76vxr.9

Hỗ trợ khách hàng
Các chuyên viên tư vấn của chúng tôi luôn sẵn sàng giúp bạn. Xin vui lòng liên hệ một trong các số dưới đây để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn:

Chuyên viên CSKH - Pivie - Huyền Hân

0911002612 cskh@pivie.com.vn

Sẵn sàng hỗ trợ qua

Chuyên viên CSKH - Pivie - Huyền Hân

Chuyên viên CSKH - Pivie - Yến Nhi

0941269911 cskh@pivie.com.vn

Sẵn sàng hỗ trợ qua

Chuyên viên CSKH - Pivie - Yến Nhi
Biểu mẫu gửi yêu cầu
Hãy cho chúng tôi biết mong muốn của bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ lại cho bạn ngay lập tức.