NIÊN ĐẠI 490-430 TCN
EMPEDOCLES VÀ BỐN YẾU TỐ SƠ BẢN CỦA VẠN VẬT
Lý Thị Thu Hiền
Nếu không hiểu tường tận quá khứ, ta sẽ không hiểu hết được hiện tại. Thế nên loài người từ xưa đến nay luôn khao khát tìm kiếm con đường về với nguồn cội, tò mò về cái gì đã sinh ra vạn vật, vũ trụ này… Đến khoảng thế kỷ V, IV TCN, trên cơ sở tiến bộ của khoa học tự nhiên, triết học duy vật cũng phát triển thêm một bước nhằm phân tích cơ sở tồn tại của thế giới vật chất. Điển hình cho thời kỳ triết học tiền Socrates này là Empedocles, nổi tiếng với quan niệm cho rằng mọi vật chất đều được cấu thành từ bốn yếu tố: lửa, không khí, nước và đất. Ngoài ra, ông còn đặt vấn đề cho sự vận hành và biến dịch của bốn nguyên chất cơ bản này, từ đó đưa ra khái niệm năng lượng đối nghịch gọi là “tình thương-hận thù” (Love and Strife) giữa các nguyên tố.
Từ thần thoại đến ba thời kỳ Triết học Hy Lạp cổ đại
Đứng trước thế giới bao la đầy bí ẩn, với tư duy non trẻ của mình con người đã mượn năng lực tưởng tượng để diễn giải những kỳ bí của tự nhiên qua những câu chuyện thần thoại hấp dẫn. Nhưng bức màn tưởng tượng ấy không thể che lấp được nền tảng hiện thực, những nhu cầu của đời sống thường nhật đã trở nên bức bách đòi hỏi phải được cắt nghĩa bằng tri thức chân thực. Sự hình thành triết học Hy Lạp là kết quả tất yếu của việc kế thừa những di sản truyền thống tinh tuý trong dân gian, thần thoại, sinh hoạt tôn giáo, trong mầm mống của tri thức khoa học và đời sống kinh tế xã hội loài người. Trên con đường tìm kiếm các thuộc tính cơ bản để nhìn thấu vô số sự phức tạp của vũ trụ, một trong các “triết gia tiền Socrates” là Empedocles, bằng sự thông thái của lý tính ông đã góp phần loại bỏ dần những giải thích mang tính chất siêu nhiên thần bí về các hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, thời kỳ tiền Socrates này là một giai đoạn phát triển đầu tiên của triết học Hy Lạp cổ đại, với những bước đầu chập chững đi lý giải những vấn đề của tư duy và sự tồn tại nên vẫn chưa thoát khỏi sự ảnh hưởng của thần thoại, tôn giáo. Vấn đề cơ bản của triết học tiền Socrates đó là “nguồn gốc của thế giới”, được luận giải từ nhiều lập trường: đơn nguyên luận, đa nguyên luận và nguyên tử luận. Ở các nhà duy vật thời sơ khai, bản nguyên thế giới được quy về một trong các yếu tố vật chất, không có sự chuyển hoá vào nhau. Theo Empedocles, nếu như vậy thì việc giải thích các chu kỳ phức tạp trong vũ trụ sẽ trở nên bế tắc. Empedocles đã không ủng hộ trường phái đơn nguyên với quan điểm “tất cả là một” mà ông cho rằng “tất cả bao gồm bốn yếu tố”, mà chính luận điểm này của ông đã góp phần quan trọng vào nền tảng phát triển khoa học tự nhiên giai đoạn sau.
Khái quát thêm hai thời kỳ còn lại của triết học Hy Lạp cổ đại. Sau giai đoạn này là thời kỳ Socrates, thời kỳ triết học cực thịnh. Các triết gia ở thời kỳ trước say mê với tự nhiên nhưng lại quên mất vấn đề cực kỳ thân thiết và không kém phần quan trọng đó là về con người. Khi Socrates tuyên xưng: “Con người hãy tự ý thức về bản thân mình” thì ông đã tạo ra một bước ngoặt phát triển của triết học, vươn lên khát vọng hiểu được chính mình trong sự mênh mông của vũ trụ này. Người ta bảo ông đã đưa triết học từ trên trời xuống bám rễ ở trần gian, nghĩa là triết học phải từ con người, vì con người sau mới đến những cái khác. Ở giai đoạn này triết học tập trung vào vấn đề con người hơn tự nhiên.
Thời kỳ cuối cùng của triết học phương Tây là thời kỳ Hy Lạp hoá. Cuộc chiến giữa Athena và Sparta đã dẫn đến Hy Lạp thuộc về Macedoine nhưng rồi cả Macedoine lẫn Hy Lạp đều bị La Mã chinh phục. Là một đất nước bị thôn tính về lãnh thổ, khuất phục về chính trị nhưng Hy Lạp đã đồng hoá được kẻ xâm lược bằng những giá trị của nền văn hoá cổ đại rực rỡ. Và cái chết của triết học cổ đại đã được dự báo bằng sự ra đời của Cơ đốc giáo trên mảnh đất triết học đang suy tàn, mà lúc đó người Hy Lạp gọi bằng cái tên Khristos.
Empedocles (490-430 TCN)
Nói về Empedocles, ông sinh vào khoảng năm 490 TCN ở Acragas (nay là Agrigento, Sicilia, Ý), tiếng Latinh của thị trấn là Agrigentum, là một trong những thành phố đẹp và giàu có nhất thời bấy giờ. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc danh giá, điều này tạo thuận lợi cho mong muốn đi khắp thế giới Hy Lạp để học hỏi, tìm tòi của ông. Sau này, khi nhắc đến Empedocles, người ta không chỉ biết đến ông như một nhà triết gia mà còn là một nhà thơ, một nhà tiên tri, một nhà vật lý, nhà cải cách xã hội đầy nhiệt huyết, và là danh y đã sáng lập ra trường y đầu tiên ở đảo Sicilia. Trong các tài liệu sau này có nhắc tới ông khá nhiều cho thấy rằng danh tiếng và thành công ở vai trò một thầy thuốc, nhưng chính lý thuyết về 4 yếu tố của ông mới là một điểm nhấn trong lịch sử y học. Khoảng cuối thế kỷ V TCN, một quyển sách của Hippocrates-Về Y học cổ đại (On Ancient Medicine) cũng đã nhắc đến những nghiên cứu về khoa học tự nhiên và y học của Empedocles. Ngoài di sản y học, ông còn đóng góp vào nền văn học với những bài thơ được đánh giá cao. Các tác phẩm tiêu biểu của ông là hai bài thơ: Về tự nhiên (Peri physeos), Sự thanh lọc (Katharmoi). Từ những tác phẩm của ông để lại người ta có thể thấy một người đàn ông được bộc lộ với trí tưởng tượng phong phú, linh hoạt và có tài hùng biện.
Trong cuộc đời của Empedocles, quê hương Acragas của ông đã trải qua một loạt biến đổi chính trị từ chế độ chuyên chế sang chế độ dân chủ. Cha ông đã từng lật đổ bạo chúa của Agrigentum, Thrasydaeus, vào năm 470 TCN. Để tiếp nối quan điểm dân chủ giống cha mình, Empedocles đã góp sức vào việc lật đổ chính quyền kế tiếp theo chế độ chuyên chế, gay gắt đấu tranh với thói hống hách của tầng lớp quý tộc, hào hiệp giúp đỡ người nghèo. Và thậm chí khi được nhân dân đề nghị làm thành chủ ông cũng đã từ chối vương quyền. Là người ủng hộ phái chủ nô dân chủ, nên khi phái chủ nô quý tộc trở lại nắm quyền, ông bị ép phải rời khỏi quê hương Agrigentum. Ông mất khoảng thế kỷ 430 TCN vào những năm tháng cuối đời sống tha hương ở Peloponnese, Hy Lạp. Theo Aristotle cho rằng ông đã qua đời ở độ tuổi sáu mươi.
Hình ảnh Empedocles (Nguồn: Wikipedia)
Thuyết Bốn nguyên tố cổ điển
Nổi tiếng với thuyết nguồn gốc vũ trụ, Empedocles cho rằng mọi vật đều tạo bởi bốn nguyên tố ban đầu và cơ bản là: đất, không khí, lửa và nước. Người ta ghi nhận trong quyển Về sự triển nở của vạn vật, ông viết: “Bốn nguyên tố là nguồn gốc của vũ trụ: lửa- thần Zeus, nước- thần Nestis, không khí- thần Aides, đất- thần Héra”. Vì nguồn gốc được xác định theo tên của các vị thần, chứ không phải theo tên truyền thống của các nguyên tố nên cũng có những ý kiến trái chiều về việc vị thần nào được xác định với “gốc” nào. Tuy nhiên, Aristotle cũng đã công nhận Empedocles là người đầu tiên phân biệt rõ ràng bốn yếu tố này. Nếu như Thales bắt đầu từ nước, Heraclite từ lửa, tức là từ một hành chất để giải thích thế giới thì Empedocles lại như là một sự tổng hợp của các hành chất ấy trong quá trình đi lý giải sự tồn tại. Theo ông khởi nguyên của thế giới là đa chứ không phải là đơn như các triết gia trước ông đã đề xướng. Nguồn gốc của thiên nhiên không thể chỉ là một nguyên tố duy nhất. Riêng mình không khí hoặc nước không thể biến thành một bông hoa hay một con bướm. Vật chất đa dạng và phong phú nên một nguyên tố không thể lý giải được tính sinh động và phức tạp trong vũ trụ. Giống như việc vẽ tranh, nếu như chỉ có duy nhất một màu đỏ thì người hoạ sĩ tài ba cỡ nào cũng không thể vẽ nên được cây xanh. Nhưng nếu có được các màu đỏ, vàng, xanh, đen thì người đó có thể trộn theo các tỷ lệ khác nhau mà tạo nên hàng trăm màu sắc phong phú. Bốn yếu tố đó là căn nguyên của hữu thể thực tại. “Không sinh- không diệt” mà thực tế chỉ là sự kết hợp hay phân ly của bốn nguyên tố này, các sự kết hợp khác nhau về số lượng giữa chúng sẽ tạo ra sự đa dạng vô cùng tận của thế giới tự nhiên.
Không phải ngẫu nhiên Empedocles chọn đất, nước, lửa, không khí làm các “gốc” của tự nhiên. Tuy ông đã không đặt giả thuyết bốn yếu tố của mình trên bằng chứng thực nghiệm nào. Nhưng có thể ông đã quan sát một mẫu gỗ đang cháy, “lửa” là cái nhìn thấy được và có cái gì đó đang phân rã, ta nghe thấy tiếng nổ lách tách và xèo xèo- đó là “nước”. Cái gì đó bay lên thành khói- đó là “khí”. Cái gì đó còn lại khi lửa tắt- đó là tro, hay “đất”. Các triết gia trước ông cũng đã đề cập đến các nguyên tố này. Thales và Anaximenes đã chỉ ra rằng nước và không khí là hai nguyên tố cốt yếu trong thế giới vật chất. Người Hy Lạp tin rằng lửa cũng quan trọng, họ quan sát thấy tầm quan trọng của mặt trời với mọi sinh vật sống. Sau này, Hippocrates với học thuyết Thể dịch lý giải bệnh tật do sự mất cân bằng bốn yếu tố: máu, niêm dịch, mật đen và mật vàng, với tính chất đi kèm: nóng, lạnh, khô, ướt- tương ứng với bốn yếu tố: đất, khí, lửa, nước cấu thành nên tiểu vũ trụ là cơ thể người bệnh đang bị xáo trộn. Những nền văn hoá khác cũng sử dụng thuộc tính đơn giản của bốn nguyên tố này để giải thích bản chất của các hiện tượng tự nhiên. Tứ đại của Phật giáo Ấn Độ gồm bốn yếu tố: địa, thuỷ, hoả, phong; hay hệ thống Ngũ hành của Trung Quốc cũng bao gồm: mộc, hoả, thổ, kim, thuỷ. Mặc dù những nguyên tố này được mô tả nhiều hơn dưới dạng năng lượng hoặc giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải là một loại chất, nên không có sự tương ứng về ý nghĩa với bốn yếu tố của người Hy Lạp cổ đại.
“Tình thương và Hận thù”
Sau khi giải thích mọi quá trình thiên nhiên là kết quả của sự ly-hợp bốn nguyên tố, Empedocles cảm thấy vẫn còn cái gì đó cần làm rõ. Điều gì đã kết hợp các nguyên tố này để xuất hiện sự sống mới? Và điều gì làm phân rã vật chất, như mẫu gỗ đã cháy? Ông tin rằng trong thế giới mà ta đang sống có sự tác động của hai ngoại lực đối nhau mà ông gọi là “tình thương-hận thù”. “Tình thương” là ái lực gắn kết các yếu tố khác nhau thành một vật. Các nguyên tố có xu hướng tích cực hướng tới quá trình đồng nhất hoá trên nguyên tắc ái lực. “Hận thù” ngược lại làm cho cái thống nhất bị phân chia tách rời. Khi một bông hoa hay một con bướm chết đi, ông nói, bốn nguyên tố tách ra nhưng không biến đổi bản chất của chúng. Trong quan niệm của Empedocles, “tình thương-hận thù” là hai mối quan hệ vĩnh cửu trái ngược nhau nhưng luôn luôn phải có nhau, không thể triệt tiêu lẫn nhau. Tuỳ mỗi thời điểm khác nhau, mà một trong hai động lực chiếm vị trí ưu thế hơn nhưng ý nghĩa sự tồn tại của chúng thì vẫn không thay đổi. Ông khẳng định: “Tình yêu và hận thù, cả hai đều bất tử, không xuất hiện và bao giờ cũng xa lạ với sự bắt đầu ra đời. Chúng đã có trước, sẽ có sau, và tôi không nghĩ rằng một trong hai sẽ vắng mặt ở một thời gian vô hạn”.
Quá trình hợp nhất và phân ly ấy cũng chi phối đời sống sinh thể, từ đơn thể đến con người. Ông đã lý giải về sự hình thành và phát triển của thế giới hữu sinh. Xét về mặt thời gian, ông cho rằng thực vật ra đời sớm hơn động vật, rồi sau đó mới đến con người. Quá trình phát triển của cơ thể sống là do sự tác động của lửa và đất quy định và con người là kết quả cuối cùng của sự phát triển đó. Empedocles cũng cho rằng sự kết hợp các nguyên tố theo các tỷ lệ khác nhau sẽ tạo nên các sự vật khác nhau. Chẳng hạn, xương gồm hai phần nước, hai phần đất, bốn phần lửa; thần kinh gồm hai phần nước, một phần đất, một phần lửa- pha đều với nhau. Trong lý luận nhận thức, ông là người đầu tiên đã đưa ra giả thuyết sinh học về nguồn gốc của tư duy. Theo ông máu là nguồn mạch của tư duy vì máu là sự hoà trộn của bốn yếu tố đất, nước, lửa, không khí ở mức hoàn hảo nhất. Tuy vậy, ông lại nhầm lẫn khi cho rằng máu cũng là một giác quan mang ý thức. Empedocles còn tin rằng mắt chứa đất, nước, lửa và không khí như mọi vật khác trong tự nhiên: “Do đó, “đất” trong mắt tôi sẽ cảm nhận những thứ thuộc về đất ở xung quanh tôi, “khí” cảm nhận những gì thuộc về khí, “lửa” cảm nhận lửa, và “nước” cảm nhận nước. Nếu mắt tôi thiếu một trong bốn nguyên tố, tôi sẽ không nhìn thấy đầy đủ về thế giới”.
Như vậy, học thuyết về bốn yếu tố của Empedocles đã chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử triết học cũng như y học cổ đại. Giả thuyết của ông như một di sản đặc biệt đã ảnh hưởng đến tư tưởng triết học phương Tây dưới hình thức này hay hình thức khác trong một thời gian dài. Xét về sự phát triển trong phương pháp luận triết học cổ đại thì tư tưởng “đa nguyên” của Empedocles như là sự tiên đoán về các nguyên tố hoá học, từ những sự biến đổi về lượng sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất. Và mặc dù khoa học hiện đại không sử dụng các yếu tố cổ điển làm cơ sở của thế giới vật chất, nhưng ta thấy các trạng thái của rắn, lỏng, khí, và plasma có chung nhiều thuộc tính với bốn nguyên tố đất, nước, không khí và lửa này. Dù không còn áp dụng rộng rãi học thuyết bốn yếu tố của Empedocles, nhưng quá trình mà con người luôn tìm kiếm những “công cụ đơn giản” để giải mã bí ẩn của vũ trụ này sẽ luôn được tiếp diễn!
Tài liệu tham khảo:
-
https://vi.wikipedia.org/wiki/Empedocles
- Giáo trình Lịch sử triết học phương Tây phần 1- PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng
- Giáo trình Lịch sử Văn minh Thế giới - Vũ Dương Ninh (Chủ biên).
- Lịch sử triết học phương Tây 1- Bertrand Russell, Hồ Hồng Đăng dịch.