NIÊN ĐẠI 500 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN
DANH Y BIỂN THƯỚC - CHA ĐẺ CỦA CHÂM CỨU VÀ MẠCH CHẨN
Nguyễn Thị Thủy
Tổng quan
Nghiên cứu về lịch sử y học thế giới cho phép chúng ta khám phá nguồn gốc và sự phát triển của y học trên các nền văn minh khác nhau. Một thời kỳ quan trọng như vậy trong bối cảnh y học là thời kỳ Biển Thước ở Trung Quốc cổ đại, có niên đại khoảng 500 năm trước Công nguyên. Giai đoạn này đánh dấu cột mốc trong sự phát triển của y học Trung Quốc, cung cấp những hiểu biết có giá trị về các phương pháp thực hành ban đầu đã đặt nền móng cho y học Trung Quốc hiện đại. Trong đó không thể không nhắc đến danh y Biển Thước, một trong Tứ đại danh y Trung Hoa cổ đại cùng với Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân. Ông là người đầu tiên khai sinh ra phương pháp mạch chẩn (Chẩn đoán bệnh qua việc bắt mạch) và châm cứu học, đặt nền móng quan trọng cho Y học Trung Hoa. Ông là một trong những danh y được ghi chép sớm nhất trong thư tịch về y học Trung Quốc. Những tác phẩm y học nổi tiếng nhất của ông gồm Biển Thước nội kinh, Biển Thước ngoại kinh và Nạn kinh.
Chi tiết
Bối cảnh y học thời kỳ Biển Thước
Bối cảnh lịch sử
Biển Thước sinh năm 401 TCN, mất năm 301 TCN (trước thời kì của Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh hay Lý Thời Trân – Biển Thước cùng ba danh y này được ca tụng là “Tứ đại danh y” nổi tiếng nhất của Trung Hoa cổ đại). Biển Thước sống trong thời Đông Chu Liệt Quốc, giai đoạn Chiến Quốc (sau thời kì Xuân Thu), khoảng năm 500 TCN tới năm 221 TCN (tương đương với thời kì các vua Hùng của Việt Nam). Nổi bật trong giai đoạn này là sự suy yếu trong quản lý của nhà Chu, đưa tới sự hợp nhất của các vua chư hầu địa phương, sự giao tranh giữa các vương quốc để tranh giành quyền lực với bảy nước lớn gồm: Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần trước khi tiến tới thống nhất đất nước. Đây là giai đoạn chuyển giao sang đồ sắt sau đồ đồng, có ảnh hưởng đến vật liệu để chế tạo các công cụ lao động và điều trị bệnh. Các triết lý khác nhau đã được xây dựng, phát triển trong giai đoạn này gồm Khổng giáo, Đạo giáo, Pháp gia và Mặc học.
Bối cảnh y học
Thời điểm này ở Trung Quốc, y học chưa có nhiều phát triển, nghề y bị lạnh nhạt và không được xem trọng. Những người hành nghề đồng bóng ngày càng nhiều và chiếm được lòng tin của người dân. Nhiều người mắc bệnh không chịu đi khám thầy y hay uống thuốc mà tin theo đồng bóng giúp “đuổi quỷ, trừ tà”, xin được khỏi bệnh nhờ thần linh. Thậm chí nhiều nước chư hầu còn đặt ra các chức quan “đại chức”, “tư vu” để chuyên lo việc này. Người ta tin rằng bệnh tật là do ma quỷ gây ra, do vận xui rủi ám vào người, cần phải có thầy cúng làm phép mới giải trừ được, từ đó bệnh tật mới khỏi. Biển Thước hoàn toàn không tin vào những điều này, ông thường xuyên đấu tranh chống lại những trò mê tín dị đoan một cách kiên trì. Ông đã sử dụng những kinh nghiệm cho chẩn đoán và điều trị bệnh của bệnh để giúp đỡ mọi người đồng thời vạch trần những chiêu trò lừa đảo của thầy đồng bóng.
Các danh y nổi tiếng trong thời kì này phải kể đến Kỳ Bá (Qibo), Yufu (thời kì thượng cổ của Trung Quốc) hay cùng thời kì trung cổ với Biển Thước còn có danh y Hà (Yi – He). Bộ sách y thuật nổi tiếng nhất thời kì này là Hoàng đế nội kinh (khoảng năm 500 TCN) với nhiều bí ẩn vẫn chưa được giải mã triệt để, vẫn được tham khảo cho tới ngày nay. Hoàng đế nội kinh là một trong những bộ sách quý, mệnh danh là “Tứ đại kì thư” của nền văn hóa Đông phương cùng với Chu dịch, Mai hoa dịch, Đạo đức kinh. Đây là công trình lý luận hàng đầu của nền y học Đông phương, là bộ sách kinh điển, trở thành sách gối đầu giường của các bậc danh y nổi tiếng như Hoa Đà, Biển Thước, Y Doãn hay sau này là Trọng Cảnh, Tôn Tự Dịch, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông. Sách tập trung nói về chẩn trị, bổ, tả, liệu dược bệnh nhân trên hình thức cuộc bình nhật của Hoàng Đế cùng sáu vị đại thần của ông, trong đó nổi tiếng nhất là Kỳ Bá. Hoàng Đế nội kinh cũng là quyển sách đầu tiên trình bày về học thuyết âm dương, học thuyết ngũ hành, sau này trở thành triết lý cơ bản và quan trọng nhất trong y học Đông phương. Hoàng đế nội kinh đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó bản tiếng việt được danh y Nguyễn Từ Siêu biên dịch khá nổi tiếng.
Trong thời đại của Biến Thước, y khoa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thuyết âm dương và ngũ hành, làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển của Đông y sau này. Sự biến hoá theo quy luật không ngừng nghỉ của sự vật sớm được phát hiện qua việc thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Cốt lõi của sự biến hoá không ngừng đó là ức chế lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau. Tức là vừa trái ngược nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau trong đối lập. Để biểu thị cụ thể về vấn đề này, người xưa đặt ra “thuyết âm dương”, đã được ghi chép sớm nhất trong Hoàng đế nội kinh. Dương bao gồm những thuộc tính mạnh: sự biểu lộ của trời, nam, cha, vua chúa, sang trọng, ban ngày, ánh sáng, … hay biểu, mặt trên, lưng, mặt ngoài tứ chi, bì mao, lục phủ, kinh dương ở chân và tay, khí của cơ thể. Trong khi âm biểu thị những thuộc tính yếu mềm: đất, nữ, mẹ, yếu, bóng tối, đêm, mặt trăng, mềm mại, … hay lý, mặt dưới, bụng, mặt trong tứ chi, cân cốt, ngũ tạng, kinh âm ở tay. Ngũ hành cho rằng bất kì một dạng thể nào của thế giới vật chất và các thực thể sống đều được quy thuộc vào một Hành trong Ngũ hành gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ hoạt động theo quy luật tương sinh, tương khắc. Nhờ vậy mà việc nắm bắt các thuộc tính của sự vật, hiện tượng được quy chuẩn và dễ dàng hơn. Hai quy luật này được ứng dụng vào việc chẩn đoán và điều trị bệnh: Trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể là kết quả của âm dương duy trì được động thái cân bằng, ngũ hành hòa hợp. Nếu quá trình đó bị phá vỡ sẽ xuất hiện biến hoá thiên thịnh thiên suy, tức là phát sinh bệnh tật. Chính vì vậy, việc điều trị quan trọng là phải nhận ra sự bất thường này và khôi phục trạng thái cân bằng của âm dương và ngũ hành trong cơ thể.
Hình 1.1: Một bản sao của Tố vấn (phần đầu Hoàng đế nội kinh) (Nguồn: Wikipedia)
Cuộc đời Biển Thước
Biển Thước (Bian Qiao hay Bian Que hay còn được biết với tên Qin Yue-ren) sinh khoảng năm 401 TCN, mất năm 301 TCN, ở tỉnh Mạc châu, thuộc nước Trịnh (nay là huyện Nhâm Khâu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Tên thật của ông là Tần Việt Nhân hay có thuyết ghi lại là Tần Hoãn, nhà họ Tần (Qin), hiệu là Lư Y. Ngay từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê bất tận với cơ thể người và bệnh tật, ông rất ham học hỏi và bộc lộ nhiều khả năng đặc biệt trong việc lĩnh hội các kiến thức về vấn đề này. Ông là người được nhận xét có tư chất hơn người, quan sát và phân tích mọi thứ rất tỉ mỉ và chính xác, là một danh y xuất sắc. Mọi người thường ưu ái gọi ông là “Biến Thước tiên sinh”. Sử gia Tư Mã Thiên – người đã viết một quyến sách dài về cuộc đời của Biển Thước đã đánh giá: “Biển Thước hành nghề y làm kẻ đứng đắn đáng tôn trọng, giữ mực thước tinh tế trong sáng, đời sau học theo không phải dễ”. Ở đâu có bệnh nghiêm trọng ông đều có thể chữa được nên mọi người còn ca tụng gọi ông là “thần y”.
Hình 2.1: Chân dung danh y Biển Thước (Nguồn: Livejournal)
Thời trẻ, Biển Thước kinh doanh một quán trọ, đây cũng là nơi ông gặp được Trường Tang Quân (Chang Sangjun), người thầy đầu tiên và cũng là giúp ông bén duyên với nghề y sau này. Trong quyển “Sử ký: Biển Thước tiểu sử” ghi lại một câu chuyện rằng: Trường Tang Quân là một vị lương y thường hay lưu trú tới quán trọ của ông, ông rất kính trọng tài năng và đức độ của vị lương y này nên đã rất tận tâm phục vụ chu đáo. Trong thời gian hơn 10 năm ở đây, Trường Tang Quân cũng đã quan sát cẩn thận và nhận ra những phẩm chất hơn người của Biển Thước, ông biết rằng Biển Thước không giống người bình thường. Một ngày nọ, Trường Tang Quân nói với Biển Thước “Tôi có một bài thuốc bí mật. Bây giờ tôi đã già rồi, tôi muốn truyền lại cho anh. Xin đừng tiết lộ ra ngoài”. Trường Tang Quân lấy trong tay ra một gói thuốc đưa cho Biển Thước, dặn ông uống vị thuốc đó liên tục bằng nước giọt sương đọng trên cây cỏ sớm mai trong 30 ngày để nhìn thấy điều phi thường, sau đó rời đi. Biển Thước uống thuốc theo lời dặn sau ba mươi ngày, ông có khả năng nhìn thấy người dù ở sau bức tường (được so sánh như máy Xquang ngày nay). Chỉ cần nhìn qua một người, ông có thể thấy được cơ quan nội tạng bên trong, biết được vấn đề bệnh ở đâu. Người ta truyền tai nhau rằng ông có thể nhìn xuyên vật thể. Ngoài ra, ông nổi tiếng nhất về bắt mạch để tìm ra bệnh, chỉ cần đặt tay lên vị trí mạch quay (Mạch thốn khẩu), ông có thể biết được người bệnh có vấn đề gì. Ông gọi là phương pháp “Mạch chẩn” và bắt đầu hành nghề y ở khắp nước Tề và nước Triệu, với danh nghĩa “chẩn mạch”. Tích lũy qua nhiều năm kinh nghiệm, ông đã đúc kết nên phương pháp “tứ chẩn” trong chẩn đoán bệnh thông qua “nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch”. Đây cũng chính là một cột trụ vững chắc, làm nền tảng cho cho Đông y ngày nay. Sau này ông ứng dụng và phát triển thêm các phương pháp chữa bệnh dựa vào châm cứu, châm kim đá, xoa bóp, bấm huyệt.
Cuộc đời ông có rất nhiều giai thoại khác nhau được lưu truyền, kể về những công lao và khả năng đặc biệt của ông như xuyên nhìn qua cơ thể năm người, gây mê thành công để ghép tim, dự đoán được thời gian mất của người bệnh... Trong đó có giai thoại nói rằng Biển Thước có thể “Cải tử hoàn sinh” (cứu người đã chết). Theo Hán thư ngoại truyện, có lần Biển Thước dẫn năm người học trò đến nước Quắc (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) để làm thuốc, nghe nói Thế tử nước Quắc bị bệnh qua đời đột ngột, ông cảm thấy đáng ngờ nên xin vào xem. Quan sát một hồi, thấy cánh mũi người chết còn động đậy, hai chân còn ấm, Biển Thước xem xét kĩ càng rồi kết luận: “Thế tử mắc chứng “thi quyết” (chết giả), có thể cứu sống được” (trạng thái hôn mê sâu trong y học ngày nay). Ông bèn châm kim các huyệt chủ yếu, sau đó sai học trò làm ngải cứu, đút thuốc, xoa bóp không ngừng tay. Hồi lâu, quả nhiên Thế tử dần tỉnh lại. Vua nước Quắc hết sức vui mừng, không tiếc lời khen ngợi, xem Biển Thước như thần tiên. Biển Thước khiêm tốn giải thích: “Không phải tôi cứu sống người chết, mà người bệnh vốn chưa chết, tôi chỉ cứu người bệnh khỏi cơn hấp hối mà thôi”. Sau đó có một vị đại phu hỏi ông tại sao dám tự tin khẳng định Thế tử chưa chết, Biển Thước trả lời: “Cách ngươi khám bệnh cũng giống như nhìn bầu trời qua một cái ống nhỏ, chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của cả tổng thể lớn. Về phần ta, ta đánh giá mọi yếu tố, quan sát màu sắc khuôn mặt, lắng nghe âm thanh, ấn vào mạch máu, nghe về âm dương của bệnh mà thảo luận. Thế tử hai tai ù ù, lỗ mũi phập phồng, cảm giác các bộ phần từ đùi lên còn ấm nên hẳn còn sống.”
Ngay từ sớm, Biển Thước đã rất đề cao vai trò của phòng bệnh vì nó quan trọng gấp đôi việc chữa bệnh. Phòng bệnh là điều trị bệnh khi bệnh chưa hình thành có ý nghĩa hơn chữa bệnh khi nó đã biểu hiện ra ngoài và gây tổn hại cơ quan. Trong cuốn sử lược Xuân Thu Chiến Quốc có viết tương truyền có một lần Ngụy Văn Hầu hỏi Biển Thước: “Tôi nghe nói ba anh em ngài đều là thần y. Vậy y thuật của ai là cao siêu nhất?” Biển Thước trả lời: “Y thuật của đại ca tôi là cao nhất, sau đó đến nhị ca và cuối cùng là tôi”. Ngụy Văn Hầu ngạc nhiên hỏi: “Vậy tại sao chỉ có ông là nổi danh lừng lẫy thiên hạ? Hai người họ thì một chút danh tiếng cũng không có?” Biển Thước trả lời: “Y thuật của đại ca tôi cao, có thể tránh được cho bệnh không xảy ra. Khi bệnh của một người còn chưa phát, đại ca vừa nhìn khí sắc là phát hiện ra ngay. Sau đó, ông ấy sẽ dùng thuốc cho người đó uống khỏi, cho nên người trong thiên hạ đều cho là ông ấy không biết trị bệnh. Vì vậy, ông ấy một chút danh tiếng cũng không có. Khả năng trị bệnh của nhị ca tôi cũng rất cao. Ông ấy có thể trị bệnh ngay khi bệnh còn ở thời điểm bắt đầu, tránh cho họ bị lâm bệnh nặng. Khi người bệnh vừa cảm mạo ho khan thì ông ấy đã dùng thuốc chữa khỏi rồi. Cho nên, danh tiếng của nhị ca tôi chỉ vẻn vẹn ở trong phạm vi quê nhà, bị mọi người gọi là bác sĩ trị bệnh nhẹ”. Biển Thước ngừng một lát rồi lại nói: “Còn tôi, cũng bởi vì có y thuật kém cỏi nhất nên nhất định phải đợi đến lúc người bệnh bị nguy kịch, hấp hối rồi mới cắt thuốc được. Nhờ uống thuốc, họ từ chết đi lại được sống lại nên toàn bộ thế giới mới cho tôi là thần y. Ngẫm nghĩ lại, cách trị bệnh của đại ca tôi là không làm tổn thương nguyên khí của người bệnh. Cách trị bệnh của nhị ca tôi là chỉ để người bệnh bị tổn thương một chút nguyên khí, bồi bổ một chút sẽ nhanh khỏi. Còn tôi, cứu được mạng của người ta nhưng nguyên khí bị thương nặng mất rồi. Ngài nói xem, y thuật của ai cao nhất?”
Đến cuối đời, danh tiếng Biển Thước ngày càng lớn, càng khiến cho nhiều người ganh ghét, trong đó có một viên quan Thái y nước Tần tên Lý Ê. Sau một lần chẩn bệnh cho Tần Vũ vương nhưng không thành (do nhà vua bị quan viên xúi giục không tin vào y thuật của Biển Thước), ông đã bị Lý Ê mai phục và giết chết. Người dân khắp nơi tiếng thương, lập rất nhiều bia, mộ thờ cúng ông.
Những thành tựu quan trọng và nổi tiếng của ông phải kể đến phương pháp mạch chẩn, kĩ thuật châm cứu và sử dụng các loại thảo dược để chữa bệnh. Bằng những kinh nghiệm của mình, ông đã đúc kết sau 6 yếu tố khiến cho bệnh tật trở nên không thể chữa:
- Người bệnh kiêu ngạo, hoàn toàn không muốn tranh luận về bệnh với mình
- Không coi trọng thân xác, sức khỏe chỉ chú tâm vào tiền tài
- Lựa chọn quần áo và thức ăn không phù hợp
- Khí của tạng, mạch âm dương không hòa hợp
- Thể chất ốm yếu, không thể uống thuốc
- Không tin vào thầy thuốc.
Ngoài ra sử sách ghi chép, khi còn sống, ông đã viết ba bộ sách nội tiếng gồm Biển Thước nội kinh, Biển Thước ngoại kinh và Nạn Kinh, nhưng hiện hai bộ đầu đã mất. Quyển “Nạn Kinh” viết vào khoảng năm 206 TCN - 220 SCN, cuốn sách được cho là của Biển Thước về mạch chẩn, lý thuyết ngũ hành và về 5 điểm shu. Nó cũng mô tả việc sử dụng hơi thở để tăng cường lưu thông “khí”. Nam Kinh rất quan trọng đối với những người quan tâm đến chẩn mạch, tương ứng hệ thống Y học Trung Quốc và lý thuyết và châm cứu 5 yếu tố shu sau này.
Đóng góp chính của Biển Thước cho nền y học cổ đại
Mạch chẩn
Trước Biển Thước, sử kí từng ghi lại một số câu chuyện chẩn đoán bệnh bằng cách khám mạch. Theo đó, chẩn mạch lần đầu được thấy vào năm Triệu Công thứ nhất trong quyển Tả Truyện khi Tần Công sai Tần Hách đi chẩn bệnh cho hầu tước. Chẩn mạch là phương pháp dựa vào việc bắt mạch ở cổ tay, từ đó tìm ra mối tương quan giữa màu da và nhịp tim để phân tích tình trạng bệnh. Sau đó một số danh y cũng đã được nhắc tới là người thành thạo trong việc bắt mạch như Quách Vũ, Tần Hòa. Tuy nhiên việc kiểm tra mạch để chẩn bệnh được ghi lại một cách hệ thống và nổi tiếng nhất là của danh y Biển Thước. Biển Thước chỉ sử dụng duy nhất vị trí “Thốn” (một trong tam bộ) (vị trí của mạch quay) hay còn được gọi là “mạch Thốn khẩu” khi thực hiện mạch chẩn. Sau này đệ tử của ông và nhiều danh y khác đã dựa trên phương pháp cốt lõi này và phát triển mở rộng mạch chẩn trở thành “Tam bộ, cửu hậu”. Đây cũng chính là sự khác biệt lớn nhất trong mạch chẩn của Biển Thước và phương pháp được ghi chép trong sách Nội kinh.
Biển Thước đặc biệt coi trọng sự thay đổi nhịp tim trong một ngày hoặc một năm. Vì vậy, ông đề xuất nguyên tắc khám mạch âm dương. Ông nhấn mạnh các mô hình thay đổi theo thời gian thường xuyên trong ba mạch âm và ba mạch dương và cũng quan sát mối tương quan giữa các cơ quan và tình trạng mạch. Theo phân loại của ông, có 22 loại mạch, gồm mạch nổi, mạch chìm, mạch dạng dây, mạch thô, mạch chặt, mạch trơn, mạch nhanh, mạch cứng, mạch đầy, mạch dài, mạch lớn, mạch yếu, mạch bình thường, mạch huyên thuyên, mạch yên, mạch kích động, mạch tán loạn, mạch ngắt quãng, ngoại âm, ngoại dương, hòa kéo. Khi sốt bệnh nhân sẽ đổ mồ hôi, kích động, mạch đập nhanh và mạnh. Biển Thước ứng dụng mạch chẩn để giải thích tình trạng sốt như sau: mạch dương kéo dài là sự hòa trộn của âm dương, sự co kép nguy hiểm gây tái phát sốt (tăng nhiệt độ) sau khi đổ mồ hôi, mạch đập kích động và đổ mồ hôi không ngừng, kích động và không thể ăn uống. Những hiểu biết sâu sắc của ông đã được sử dụng trong các tác phẩm kinh điển khác như “Những câu hỏi đơn giản, Luận bàn về bệnh nhiệt”.
Thương Công (một học trò của Biển Thước) áp dụng mạch chẩn của Biển Thước bằng cách ấn bằng hai hoặc ba ngón tay cùng nhau vào vị trí mạch Thốn khẩu. Phương pháp này chỉ giúp ông đánh giá được mạch nổi và mạch chìm. Cho đến khi Hua Tuo, ông đề xuất phương pháp “ba ngón tay và ba phần” nghĩa là chúng ta có thể ấn bằng ba ngón tay cùng nhau hoặc bằng một ngón tay riêng lẻ vào ba vị trí liền kề nhau trên cổ tay. Điều này giúp ông đánh giá tình trạng mạch rõ ràng và cung cấp được nhiều thông tin hơn. Phương pháp này ngày nay được áp dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để chẩn mạch (phương pháp “Tam bộ, cửu hậu”). Về sau, Hoa Đà cũng đề xuất “kiểm tra mạch theo tám nguyên tắc”, bao gồm mạch âm dương, mạch ngoài và trong, mạch lạnh và nhiệt, mạch trống và mạch đầy đủ, tương đương với kiểm tra mạch cơ quan.
Trong Nội Kinh từng viết mạch chẩn có liên quan đến việc khám mạch 12 kinh. Lý thuyết huyết áp của Nội Kinh dựa trên “âm dương” và coi “kinh mạch” là mạch máu. Nó coi máu đi qua mười hai kinh tuyến (không phải mạch máu thường được gọi ngày nay) nên việc kiểm tra mạch là để kiểm tra và chẩn đoán sự phân phối máu bên trong cơ thể con người. Ví dụ, mạch bình thường được gọi là “mạch bình thường” và mạch bất thường được gọi là “mạch bệnh”. Theo quan điểm của Nội Kinh, có nói rõ ràng rằng khám mạch là để kiểm tra “kinh mạch”. Để kiểm tra “kinh tuyến”, chúng ta có thể kiểm tra trực tiếp các điểm của động mạch trên “kinh tuyến” và chúng ta cũng có thể phân biệt được “mười hai kinh tuyến” hay “ba phần chín chỉ” thông qua mạch cổ tay. Nó cũng là cơ sở để các thế hệ sau phát triển việc kiểm tra mạch.
Như vậy, danh y Biển Thước là người đầu tiên đưa ra ghi chép một cách hệ thống và khá đầy đủ về phương pháp mạch chẩn, cách thực hiện và ý nghĩa tương ứng. Sau này được các danh y tiếp tục phát triển và hoàn thiện như Thương Công, Hoa Đà, Huo Tuo. Phương pháp này cùng với nghe, nhìn và hỏi bệnh trở thành “Tứ chẩn”, nguyên tắc cơ bản trong chẩn đoán và điều trị của y học Trung Quốc hay y học cổ truyền ngày nay.
Hình 3.1: Tam bộ, cửu hậu trong phương pháp mạch chẩn (Nguồn: Tonikahealth)
Chú giải: Bộ vị xem mạch là ở chỗ mỏm xương quay nhô lên ở phía sau bàn tay, gọi là bộ vị mạch Quan. Trước bộ Quan là bộ Thốn thuộc dương, phía sau bộ Quan là bộ Xích thuộc âm. Các bộ theo chiều từ cổ tay xuống khuỷu tay lần lượt là Thốn, Quan, Xích. Khi xem mạch đặt ngón tay giữa ở bộ Quan, hai ngón tay còn lại đặt ở bộ Xích và bộ Thốn. Như vậy mỗi tay có 3 bộ Thốn, Quan, Xích, mỗi bộ có 3 hậu Phù, trung, trầm nên 3 nhân 3 là chín (3x3) mới có tên gọi là 3 bộ chín hậu (tam bộ, cửu hậu). Ngoài ra, mỗi tạng phủ đều có bộ vị trên thốn khẩu như: Bộ Thốn bên tay trái (tả) thuộc tâm và tiểu tràng, Quan thuộc can và đởm, Xích thuộc thận và bàng quang, Thốn bên tay phải (hữu) thuộc phế và đại tràng, Quan thuộc tỳ và vị, Xích thuộc mệnh môn hỏa, cũng có sách ghép cả đại tràng vào bộ xích bên tay phải.
Châm cứu
Phương pháp châm cứu bao gồm việc đưa những chiếc kim mỏng vào các điểm cụ thể trên cơ thể, được gọi là huyệt vị hoặc huyệt. Đâm hoặc kích thích huyệt vị bằng các loại kim gọi là châm, trong khi cứu là dùng lá ngải khô đã qua chế biến để đặt lên huyệt vị nhất định của cơ thể. Hai phương pháp này tác động lên cùng vị trí huyệt, gọi chung là phép châm cứu. Những huyệt này được cho là được kết nối bằng các con đường hoặc kinh tuyến mà qua đó năng lượng quan trọng, được gọi là Khí, chảy qua. Bằng cách kích thích các huyệt này, người tập nhằm mục đích khôi phục lại sự cân bằng của khí và
Theo lý luận y học cổ truyền, trong cơ thể âm và dương phải cân bằng nhau thì cơ thể mới khỏe mạnh, khi âm dương mất cân bằng thì sinh ra bệnh tật. Bệnh tật phát sinh do nguyên nhân bên ngoài (tà khí), hoặc do nguyên nhân bên trong cơ thể bị suy yếu (chính khí hư). Nếu do nguyên nhân bên ngoài xâm nhập sẽ gây bế tắc sự vận hành của kinh khí, châm cứu vào các huyệt trên đường kinh để loại trừ tác nhân gây bệnh ra ngoài (gọi là khu tà). Nếu do nguyên nhân bên trong, chính khí hư, kinh khí không đủ thì châm cứu có tác dụng làm tăng kinh khí để đạt mục đích điều trị (gọi là bổ chính).
Các tài liệu văn học cổ xưa đã chứng minh hoạt động điều trị bệnh tương tự châm kim vào cơ thể người đã có nguồn gốc từ hàng trăm năm TCN. Điều này được chứng minh trong nhiều văn kiện hay các họa tiết hình vẽ đặc trưng được tìm thấy trong các khu lăng mộ được khai quật hay trên các bức tường đá. Thuở sơ khai, loại kim sử dụng để châm được làm bằng đá đã được gọt dũa tỉ mỉ, tuy nhiên độ tinh xảo và hiệu quả không cao. Đến giai đoạn Xuân Thu – Chiến Quốc, khoảng năm 300 TCN là thời kì chứng kiến sự chuyển mình và phát triển vượt bậc của châm cứu. Bằng chứng là sự thay thế kim châm đá bằng kim làm bằng kim loại như bạc, đồng, vàng. Tài năng và khả năng sử dụng thuần thục kim châm của các thầy thuốc trong giai đoạn này để chữa bệnh cũng phần nào nói lên tầm quan trọng của kĩ thuật châm cứu. Điển hình nhất là danh y Biển Thước, sau khi ông dùng kim châm để “cải tử hoàn sinh” cho Thế tử nước Hoắc khi người này được cho là đã tử vong.
Biển Thước được ghi nhận là người đã nghĩ ra một bộ kỹ thuật châm cứu và ông đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về các điểm và kinh tuyến khác nhau của cơ thể con người để điều trị bệnh dựa trên sự bất tương hợp của thuyết âm dương và ngũ hành. Theo một số tài liệu sử học, những quan sát và đúc kết của ông về châm cứu đã được ghi chép trong quyển “Giáo lý y khoa cơ bản” (Classic of Medical Catechism). Ngoài ra 2 quyển sách nổi tiếng nhất nói về kĩ thuật châm cứu, vị trí huyệt vị, trạng thái đắc khí là Hoàng đế nội kinh và Nạn kinh (Biển Thước). Những đóng góp của ông đã giúp đặt nền tảng, mở đường cho sự phát triển của kĩ thuật châm cứu trong các giai đoạn tiếp theo. Năm 1034, khi danh y Xu Xi sử dụng kim châm đâm vào màng bên ngoài dưới tim trái để chữa khỏi bệnh cho Hoàng đế trước sự thán phục và lo sợ của quần thần. Sau đó, ông được khen thưởng hậu hĩnh và ông đã xin nhà vua xây một ngôi đền để tỏ lòng biết ơn đến danh y Biển Thước, “cha đẻ của châm cứu”. Sau này khi nhắc tới kĩ thuật châm cứu, người ta đều sẽ nhớ đến sự xuất sắc và đóng góp tuyệt vời của danh y Biển Thước.
Trong y học hiện đại, châm cứu đã được công nhận và chấp nhận như một liệu pháp bổ sung. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để khám phá hiệu quả và cơ chế hoạt động của nó. Nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể kích thích giải phóng endorphin, serotonin và các chất dẫn truyền thần kinh khác, có thể giúp giảm đau và thúc đẩy cảm giác hạnh phúc.
Thảo dược
Ngoài những đóng góp về mạch chẩn, châm cứu và mạch máu, Biển Thước còn là một chuyên gia nổi tiếng về dược thảo. Thuốc thảo dược Trung Quốc sử dụng các đặc tính chữa bệnh của thực vật và khoáng chất để khôi phục lại sự cân bằng của cơ thể. Biển Thước đã nghiên cứu sâu rộng, lập danh mục và hệ thống hóa các phương thuốc thảo dược, xác định các đặc tính chữa bệnh của chúng và kê đơn cho nhiều loại bệnh khác nhau. Kiến thức toàn diện về thảo dược của ông đã đặt nền móng cho việc xây dựng nhiều bài thuốc và trở thành một thành phần thiết yếu trong dược điển của y học Trung Quốc.
Những tài liệu ghi chép lại những bài thuốc hay các loại thảo dược do Biển Thước nghiên cứu và biên soạn hiện không còn nhiều, chủ yếu là các giai thoại về khả năng sử dụng thảo dược chữa bệnh tài tình của ông. Nổi tiếng nhất là câu chuyện ông sử dụng thảo dược kết hợp với châm cứu để “cải tử hoàn sinh” cho Thế tử nước Quắc. Từ đó danh tiếng của ông vang danh khắp thiên hạ, ông cùng các đệ tử đã đi đến rất nhiều đất nước để chữa bệnh cho mọi người.
Tổng kết
Biển Thước có thể được coi như một trong những vị danh y nổi tiếng nhất của nền y học Trung Hoa cổ đại. Những khám phá và đóng góp của ông có ý nghĩa sâu sắc, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của y học cổ truyền xưa và nay. Những thành tựu nổi bật nhất của bt bao gồm phương pháp chẩn đoán bệnh qua bắt mạch (mạch chẩn), điều trị bệnh bằng châm cứu, hiểu biết nghiên cứu về lĩnh vực mạch máu và các loại thảo dược. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận toàn diện và cá nhân hóa đối với việc chăm sóc sức khỏe hay đặt cao vai trò của việc phòng ngừa bệnh thay vì chỉ tập trung vào chữa bệnh. Bằng cách xem xét tổng thể từng cá nhân và điều chỉnh các phương pháp điều trị phù hợp cho họ, Biển Thước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật thay vì chỉ làm giảm bớt các triệu chứng. Di sản của Biển Thước vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với những lời dạy và đóng góp của ông tiếp tục định hình việc thực hành y học Trung Quốc cũng như y học cổ truyền trên toàn thế giới.
Tài liệu tham khảo
- Alan Berkowitz. (2005). "Sima Qian, "Account of The Legendary Physician Bian Que"". Hawai'i Reader In Traditional Chinese Culture. 174-178.
- Brown M. Who was he? Reflections on China's first medical 'naturalist'. Med Hist. 2012 Jul;56(3):366-89.
- Britannica, The Editors of Encyclopaedia. "Bian Qiao". Encyclopedia Britannica, 24 Aug. 2011, https://www.britannica.com/biography/Bian-Qiao
- Wang YY, Wang SH, Jan MY, Wang WK. Past, Present, and Future of the Pulse Examination (mài zhěn). J Tradit Complement Med. 2012 Jul;2(3):164-85.
- Ma K-W. The Roots and Development of Chinese Acupuncture: From Prehistory to Early 20Th Century. Acupuncture in Medicine. 1992;10(1_suppl):92-99.
- Tsai, Yun-Ning; Huang, Yi-Chia; and et (2018). Different Harmonic Characteristics Were Found at Each Location on TCM Radial Pulse Diagnosis by Spectrum Analysis. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, 2018(), 1–10.
- https://en.wikipedia.org/wiki/Bian_Que
- Veith, Ilza; translator (1972). The Yellow Emperor's Classic of Internal Medicine. Revised paperback edition. Berkeley, Los Angeles: University of California Press.
- https://www.lingna-cheng.com/history-chinese-medicine